“Bí kíp” đạt điểm cao trong bài thi “Khoa Học Tự Nhiên”
Dưới đây là một số những lưu ý cũng như là bí kíp học giúp cho chúng ta ôn tập bài thi Khoa Học Tự Nhiên đạt điểm cao như mong muốn.
Mục lục:
Vật lý: Làm từ dễ đến khó
Đề thi vật lý nằm trong tổ hợp khoa học tự nhiên chắc chắn sẽ vẫn theo thứ tự từ câu dễ đến câu khó.
Do đó, thí sinh nên làm như sau: Không cần đọc hết đề mà chỉ đọc kỹ lưỡng từ trên xuống, làm ngay từng câu, tô ngay vào đáp án. Câu nào có chữ sai, chữ không… nên khoanh tròn để nếu cần thì kiểm tra lại vì dễ nhầm lẫn. Câu nào khó đánh dấu chéo để tránh mất thì giờ, sau đó trở lại sau khi làm xong các câu dễ.
Đề vật lý nhiều khi phải vẽ để nhìn (ví dụ mạch xoay chiều). Phải vẽ thật nhanh, không dùng thước, không cần tóm tắt đề. Các năm gần đây, đề vật lý đã có nhiều hình vẽ. Thí sinh cần đọc quen, nắm vững các thông số mà hình vẽ đưa ra.
Ngoài ra, các câu toán khó tập trung ở dao động cơ, sóng cơ và điện xoay chiều. Phần này cầnôn tập kỹ lưỡng các công thức, viết nhiều lần mới có thể sử dụng nhanh. Câu thực hành cần biết độ ngờ, sai số của phép đo.
Sinh học: Tăng cường đọc hiểu, vận dụng
Vì đề thi bao quát tất cả kiến thức sách giáo khoa nên cần chú trọng ôn tập kiến thức trong sách giáo khoa trước tiên, sau đó mới mở rộng.
Cụ thể : Thí sinh cần ôn tập chắc các kiến thức cơ bản, coi kiến thức trong sách giáo khoa là nền tảng để khi gặp câu hỏi vận dụng, dạng bài tập, dạng tích hợp kiến thức nhiều bài thì đã có kiến thức cơ bản để làm được.
Các kiến thức cơ bản:
- Phần di truyền lưu ý cơ chế di truyền ở mức độ phân tử, mức độ tế bào, mức độ cơ thể, mức độ quần thể.
- Phần biến dị lưu ý đột biến gien, đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể (khái niệm – phân loại – cơ chế phát sinh – hậu quả – ý nghĩa), đột biến lệch bội, đột biến đa bội.
- Phần chọn giống lưu ý quy trình tạo giống dựa vào nguồn biến dị tổ hợp – bằng gây đột biến – bằng công nghệ tế bào – bằng công nghệ gien.
- Phần tiến hóa lưu ý nguyên nhân và cơ chế tiến hóa theo thuyết tiến hóa của Darwin, tổng hợp hiện đại, sự phát sinh và phát triển của sự sống trên trái đất, tiến hóa của loài người.
- Phần sinh thái nắm vững kiến thức cá thể, quần thể, quần xã, hệ sinh thái, sinh quyển.
Để làm được nhiều câu hỏi trong một đề thi trắc nghiệm, kiến thức rất nhiều và dàn trải, khi ôn tập,thí sinh cần giảm bớt học thuộc lòng, tăng cường học hiểu, học vận dụng.
Hóa học: Tích lũy điểm từ câu dễ
Đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cấu trúc gồm 40 câu, trong đó 27 câu lý thuyết (67,5%) và 13 câu toán (32,5%). Độ khó được xếp tăng dần từ trên xuống. Yêu cầu mức độ hiểu nhận biết khoảng 5 điểm, vận dụng mức độ vừa phải đến khó khoảng 4 điểm và vận dụng ở mức độ khó nhiều khoảng 1 điểm.
Do tính chất của kỳ thi vừa để xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh ĐH nên các câu hỏi được xếp theo độ khó tăng dần. Thí sinh cứ theo thứ tự làm để bảo đảm yêu cầu đạt tốt nghiệp THPT. Khi các em làm theo thứ tự sẽ tích lũy những điểm từ các câu dễ đạt nhất. Để làm được các phần này, phần lớn chỉ yêu cầu kiến thức cơ bản và thí sinh có thể vận dụng ở mức độ dễ và vừa phải. Nếu làm tốt phần này, các em có thể đạt được 5,5-6 điểm.
Phần nâng cao xét tuyển vào ĐH tuy ít điểm hơn nhưng lại là những điểm số phân hóa, xếp loại kết quả của thí sinh. Đa phần là các câu hỏi sử dụng khả năng tư duy cao hơn, kỹ năng tính toán vận dụng linh hoạt giải quyết vấn đề. Thí sinh nên làm bài từ trên xuống vì cấu trúc sẽ vẫn theo độ khó tăng dần. Có khoảng 4-5 câu rất khó dành cho thí sinh đạt điểm 9,5-10.
Trong khi làm bài, thí sinh nên làm phần lý thuyết trước, phần tính toán sau. Phần lý thuyết thường chỉ yêu cầu kiến thức cần nhớ, đánh giá, phân tích và giải quyết ở mức độ đơn giản hơn nên đây là phần các em dễ có điểm an toàn. Nếu nhận thấy yêu cầu kiến thức, giải quyết vấn đề ngoài khả năng của mình thì thí sinh nên dành thời gian quay lại các câu còn ngập ngừng, lúng túng ở mức độ dễ hơn.