Tìm hiểu về nghề tâm lý

Tìm hiểu về nghề tâm lý

Nhìn bề ngoài, công việc của nhà tâm lý có vẻ như chỉ đơn thuần là trò chuyện và cho lời khuyên. Nhưng để làm thay đổi con người không dễ và nếu không được đào tạo tốt, nguy cơ mất lòng tin của khách hàng đối với chuyên gia tâm lý là rất lớn.

Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, nghề tâm lý phát triển mạnh tại Việt Nam đã biến tâm lý học thành môn học hấp dẫn thu hút đông đảo bạn trẻ. 

Tư vấn tâm lý ở Việt Nam trong hơn 10 năm trở lại đây phát triển nhanh chóng và trở nên muôn hình vạn trạng, từ hình thức cung cấp, người làm tâm lý, chi phí cho đến địa điểm hành nghề. Hình thức có thể là đến tận nhà làm việc với trẻ như một số sinh viên tâm lý đã và đang làm, thường là các trẻ có vấn đề về hành vi, chậm phát triển, tự kỷ. Tuy nhiên hình thức phổ biến nhất vẫn là tư vấn thông qua các tổng đài điện thoại.

Tư vấn hay trị liệu trực tiếp thì ít phổ biến hơn, chủ yếu ở các chuyên khoa bệnh viện, phần vì nhu cầu ít hơn, nhưng chủ yếu là rất ít người tự tin về đào tạo, trình độ chuyên môn hay kinh nghiệm để dám “đương đầu” trực tiếp với thân chủ.

Bạn biết gì về nghề tâm lý học ?

Tâm lý học là ngành khoa học nghiên cứu hành vi, tinh thần và tư tưởng của con người như cảm xúc, ý chí hay hành động. Không những thế, tâm lý học còn quan tâm đến sự ảnh hưởng của các hoạt động thể chất, trạng thái tâm lý và các yếu tố bên ngoài tác động lên hành vi và tinh thần của con người. 

Ngày nay, nhiều hiện tượng tâm lý – xã hội và những chứng bệnh thời đại như trầm cảm, căng thẳng, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi… trở nên phổ biến khiến con người có nhu cầu nhận thức về bản thân, đồng thời duy trì và cân bằng những cảm xúc của mình để nâng cao chất lượng công việc, chất lượng cuộc sống. Đó là thách thức của xã hội, nhưng lại chính là cơ hội cho những ai muốn học tập, nghiên cứu và hành nghề trong lĩnh vực tâm lý học. Lý do là người có thể tháo gỡ và giải quyết những vướng mắc về tâm lý một cách khoa học, bài bản không ai khác chính là các chuyên gia tâm lý. Ngành tâm lý học là lựa chọn số một cho những bạn trẻ thực sự đam mê và có mong muốn làm việc trong môi trường giao tiếp giữa người với người. Mỗi công việc chính là một quá trình khám phá, trải nghiệm dẫn dắt bạn đến mọi ngóc ngách bí ẩn, thú vị nhất của cuộc sống và tâm hồn con người.

Nếu nói giao tiếp là chìa khóa của mọi sự thành công thì việc thấu hiểu tâm lý người đối diện chính là mấu chốt của mọi quan hệ giao tiếp. Chính vì vậy, với tâm lý học, bạn có cơ hội phát huy tối đa những khả năng tiềm ẩn của mình, từ đó định vị bản thân trước xã hội.

Tố chất cần thiết của các bạn học ngành tâm lý học

Khi làm việc trong ngành tâm lý học, bạn phải là người sử dụng tốt trí tuệ cả xúc nhiều hơn logic. Ngoài ra, bạn phải có khả năng giao tiếp tốt, tinh tế, nhạy cảm và nhẹ nhàng để có thể hiểu được tâm lý, cảm xúc, vấn đề người khác đang gặp phải từ đó gợi mở giúp người đó giải quyết vấn đề. Bạn sẽ phải gặp nhiều người với nhiều tình trạng tâm lý khác nhau, nếu bạn không kiên nhẫn và không có khả năng kiềm chế thì thật khó để làm việc tốt được.

nghề tâm lý
 
Nghề tâm lý cần phải sử dụng tốt trí tuệ và cảm xúc nhiều hơn logic

Một số tố chất cần có khi theo học nghề Tâm lý học:
– Có kiến thức phong phú về các lĩnh vực văn hóa, xã hội.
– Có sự hiểu biết rộng về các vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội hàng ngày.
– Trung thực, tôn trọng người khác, khách quan, không nhận xét, đánh giá đối với những khúc mắc tâm lý của người khác, nhạy cảm.
– Cởi mở
– Chịu được áp lực cao trong công việc.
– Kiên nhẫn, biết lắng nghe.
– Có khả năng chia sẻ, đồng cảm, thấu hiểu vấn đề.
– Cần phải có khả năng thuyết phục khéo léo, nhẹ nhàng trong giao tiếp, diễn đạt tốt.
– Có kỹ năng xử lý thông tin, khả năng phân tích, tổng hợp vấn đề.

Cơ hội nghề nghiệp của ngành tâm lý học

Hiện tại ngành tâm lý học ở Việt Nam chưa phát triển mạnh nhưng trong tương lai ngành này sẽ là ngành được “săn đón”.

Một số nghề nghiệp trong ngành tâm lý học mà sau khi tốt nghiệp bạn có thể làm:

Nhà tâm lý học đường: Làm việc tại các trường học với vị trí phụ trách tâm lý học đường, hỗ trợ giáo viên, cha mẹ học sinh trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phòng ngừa những khó khăn, thất bại trong học tập cũng như đòi sống tinh thần của học sinh. Từ đó góp phần giúp học sinh giải tỏa được những khúc mắc trong đời sống và có thành tích tốt hơn trong học tập.

Nhà trị liệu tâm lý: Làm việc tại các bệnh viện tâm thần, các trung tâm trị liệu khác,… Công việc chủ yếu là hỗ trợ cho nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần hoặc đôi khi họ có thể làm việc độc lập. Họ giúp cho những người có nhu cầu trị liệu phân tích, hiểu và giải quyết những mâu thuẫn lý bên ngoài cũng như những khó khăn tâm lý mang tính nội sinh. Tùy theo trường hợp để áp dụng các phương pháp trị liệu khác nhau như trị liệu hành vi, trị liệu theo phương pháp nhận thức, phân tâm, trị liệu gia đình,…

nghề tâm lý
 
Nhà trị liệu

Chuyên viên tham vấn: Môi trường làm việc của chuyên viên tham vấn rất rộng, nơi làm việc có thể là các trung tâm tư vấn, các đường dây nóng hay các dự án phi chính phủ,… Công việc của chuyên viên tham vấn thường liên quan tới các vấn đề nảy sinh trong lĩnh vực tình yêu, hôn nhân và gia đình. Họ không đưa ra lời khuyên trực tiếp mà chỉ gặp gỡ, trò chuyện giúp cho người được tham vấn nhận thức được vấn đề và tự tìm ra cách giải quyết.

Nhà tâm lý học: Nơi làm việc là các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng hay các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh,… Công việc của nhà tâm lý học có thể là làm công tác nghiên cứu giảng dạy, tham gia vào việc hoạch định các chính sách liên quan đến đời sống tâm lý được ứng dụng trong kinh doanh,… Ngoài ra, nhà tâm lý học cũng có thể tham gia cào các dự án, các chương trình của các tổ chức trong và ngoài nước, tổ chức phi chính phủ,… Mỗi nhà tâm lý học thường chuyên vào một lĩnh vực cụ thể nào đó.

Hi vọng những chia sẻ ở trên sẽ giúp bạn hiểu rõ về ngành nghề tâm lý học từ đó đưa ra được những quyết định lựa chọn đúng đắn.

Xem thêm định hướng về nghành nghề khác như Chăm sóc khách hàng, Quảng bá kinh doanh và tiếp thị, Lập trình viên ….