Tìm hiểu về ngành Bác sĩ tâm lý

Tìm hiểu về ngành Bác sĩ tâm lý

Giữ sứ mệnh đồng hành, định hình và cân bằng những cảm xúc “xáo trộn” của con người trong nhịp sống hiện đại, Tâm lý học nổi lên là 1 trong 10 ngành nghề đắt giá nhất của thời kỳ hội nhập.

Đón đầu thành công với vai trò của những “bác sĩ tâm hồn”

Cùng với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế – xã hội hiện đại, đời sống tinh thần của con người ngày càng phong phú và trở thành thế giới kỳ bí để nghiên cứu, lý giải. Ngày nay, con người phải đối diện với nhiều áp lực hơn, các hiện tượng tâm lý và chứng bệnh thời đại: trầm cảm, stress, rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc, tự kỷ, bạo lực học đường,… ngày càng diễn biến phức tạp. Nhu cầu được thấu hiểu, tư vấn, chia sẻ tâm lý theo đó cũng tăng cao.

Đây được xem là thách thức lớn của xã hội nhưng lại là “cơ hội vàng” để các nhà tâm lý tương lai nắm bắt cơ hội và định vị bản thân thành công đối với ngành học giữ vị trí hàng đầu về nhu cầu nhân lực này. Theo ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong giai đoạn 2015 đến 2020 nhu cầu nhân lực của ngành Tâm lý học là rất lớn, riêng TP.HCM cần đến hàng ngàn người/năm.

Nếu giao tiếp là chìa khóa của mọi thành công thì việc thấu hiểu tâm lý người đối diện chính là mấu chốt của mọi quan hệ giao tiếp. Với đặc trưng “thấu hiểu – giao tiếp”, “tư vấn – trị liệu”, nhà Tâm lý học được ví von như những “bác sĩ tâm hồn” giữ vai trò đồng hành và đề ra các giải pháp trị liệu phù hợp giúp người bệnh ổn định tâm lý, tìm lại động lực và hạnh phúc trong cuộc sống. Bên cạnh đó, Cử nhân Tâm lý học có cơ hội được “chào mời” với nhiều lựa chọn công việc hấp dẫn như: chuyên viên tư vấn tâm lý tại các công ty, trường học, đài phát thanh, đài truyền hình; quản lý tuyển dụng nhân sự, chăm sóc khách hàng, công tác văn hóa tại các doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội; giảng dạy, nghiên cứu tâm lý trong các trường học, trung tâm, viện nghiên cứu.

Theo khảo sát, 7 – 10 triệu đồng/tháng là mức lương bình quân của các cử nhân Tâm lý học và họ luôn có cơ hội tăng cao thu nhập nếu năng động nắm bắt, đảm nhận thêm những công việc hấp dẫn khác như: diễn giả kỹ năng mềm, nhà diễn thuyết tâm lý, chuyên viên tư vấn – trị liệu tâm lý tại nhà,…

Một số nghề nghiệp trong ngành tâm lý học

Hiện nay ở nước ta chưa có chức danh dành cho chuyên ngành tâm lý học. Tuy nhiên trên thực tế thì những sinh viên tâm lý sau khi tốt nghiệp có không ít cơ hội việc làm.

Nhà tâm lý học đường

Làm việc tại các trường học. Công việc chính của họ là tham gia vào việc phòng ngừa những khó khăn, thất bại trong học tập cũng như trong đời sống tinh thần của học sinh. Từ đó góp phần giúp cho học sính giải tỏa được những khúc mắc trong đời sống, có thành tích tốt hơn trong học tập.

Nhà trị liệu tâm lý

Làm việc tại các bệnh viện tâm thần cũng như các bệnh viện, các trung tâm trị liệu khác v.v… Nhà trị liệu tâm lý hỗ trợ cho nhà tâm lý học hoặc các bác sĩ tâm thần. Đôi khi họ có thể làm việc độc lập. Họ giúp cho người có nhu cầu trị liệu phân tích, hiểu và giải quyết những mâu thuẫn tâm lý bên ngoài (mâu thuẫn với người khác) cũng như những khó khăn tâm lý mang tính nội sinh.
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, nhà trị liệu tâm lý có thể áp dụng các phương pháp trị liệu khác nhau như trị liệu hành vi, trị liệu theo phương pháp nhận thức, phân tâm, trị liệu gia đình v.v…

Chuyên viên tham vấn

Các chuyên viên tham vấn có môi trường làm việc rất rộng, tại các trung tâm tư vấn, các đường dây tư vấn nóng như 1080, 1088, 1900… hoặc các dự án phi chính phủ v.v… Công việc của các chuyên viên tư vấn thường liên quan đến các vấn đề nảy sinh trong các lĩnh vực tình yêu, hôn nhân và gia đình. Công việc của họ thường là gặp gỡ, trò chuyện để giúp cho người có nhu cầu nhận thức được vấn đề của mình và tự tìm ra được cách giải quyết phù hợp nhất. Thường họ không đưa ra cách thức tiến hành, thậm chí cả lời khuyên để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Nhà tâm lý học

Các nhà tâm lý học làm việc tại các viện nghiên cứu trung tâm nghiên cứu, các Trường đại học và cao đẳng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, công ty quảng cáo, truyền thông v.v…
Công việc của các nhà tâm lý học cũng rất đa dạng. Họ có thể làm công tác nghiên cứu, giảng dạy hoặc tham gia vào việc hoạch định các chính sách liên quan đến đời sống tâm lý được ứng dụng trong các hoạt động quản trị, kinh doanh v.v… Nhà tâm lý học cũng có thể tham gia vào các dự án, các chương trình của các tổ chức trong và ngoài nước, tổ chức phi chính phủ v.v…
Nhà tâm lý học thường chuyên vào một lĩnh vực cụ thể nào đó.

Các yêu cầu của một nhà tâm lý học

Kiến thức

– Có kiến thức phong phú về các lĩnh vực văn hóa, xã hội
– Có hiểu biết rộng về các vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội hàng ngày

Kỹ năng

– Có kỹ năng xử lý thông tin, khả năng phân tích, tổng hợp vấn đề

Khả năng

– Có khả năng chia sẻ, đồng cảm, thấu hiểu vấn đề
– Có khả năng thuyết phục khéo léo, nhẹ nhàng trong giao tiếp, diễn đạt tốt

Thái độ

– Trung thực, tôn trọng người khác, khách quan, không nhận xét, đánh giá đối với những khúc mắc tâm lý của người khác, nhạy cảm
– Cởi mở
– Chịu được áp lực cao trong công việc
– Kiên nhẫn
– Biết lắng nghe

Một số địa chỉ đào tạo

Khoa Tâm lý học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Dân lập Văn Hiến v.v…

Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp

Làm việc trong ngành này đòi hỏi bạn phải tiếp xúc nhiều với mọi người, mọi đối tượng xã hội. Người làm nghề tâm lý phải có kiến thức vững vàng về tâm lý học, có kỹ năng trong nghiên cứu, vận dụng các kiến thức vào thực tế, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe, phản hồi, có thái độ thận trọng, tận tâm, công bằng trong công việc.

Những người được đào tạo cơ bản về tâm lý học có thể tham gia vào rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, xã hội: trong các cơ sở đào tạo (làm giáo viên giảng dạy tâm lý học tại các trường cao đẳng, đại học…); trong các cơ sở nghiên cứu (làm cán bộ nghiên cứu, cán bộ dự án phát triển cộng đồng tại các viện tâm lý học, các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng tâm lý học, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước…); trong các công ty, trung tâm làm dịch vụ tư vấn tâm lý (làm tư vấn viên, cán bộ trị liệu…).

Ngoài ra, với bằng cử nhân tâm lý, bạn cũng có cơ hội việc làm trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (nhân viên phòng Nhân sự; phòng Marketting; thiết kế quảng cáo, Nghiên cứu thị trường…); trong các tổ chức đoàn thể (Đoàn Thanh niên, UBND phường, xã…); trong các cơ quan Nhà nước, Chính phủ, bộ ngành (Bộ Công an, Bộ Tư pháp; Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội…); trong các bệnh viện (làm cán bộ trị liệu tâm lý và tư vấn tâm lý cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân…); trong các trường phổ thông (làm cán bộ tư vấn học đường) v.v…

Ngày nay tư vấn tâm lý qua các tổng đài điện thoại cũng rất phổ biến.