Nhà khoa học công nghệ Nano

Nhà khoa học công nghệ Nano

Khi chọn nghề nghiệp, chúng ta thường phải chú ý đến nhu cầu của xã hội cũng như xu thế của thời đại. Công nghệ nano là một lĩnh vực rất mới mẻ, có thể bạn còn cảm thấy nó thật xa vời. Nhưng đối với những người có tầm nhìn xa, đó là một trong những ngành đầy triển vọng trong tương lai gần.

Nếu như thế kỷ trước đánh dấu cuộc chạy đua về Công nghệ nguyên tử cũng như sự đột phá của Công nghệ thông tin, thì các nhà khoa học tin rằng thế kỷ XXI sẽ đánh dấu những đóng góp lớn lao của một lĩnh vực công nghệ mới: ngành Công nghệ nano.

Đây là điều hoàn toàn hợp lý, bởi vì khoa học kỹ thuật luôn phát triển không ngừng. Bất cứ loại công nghệ nào, dù đã ưu việt đến mấy rồi cũng sẽ được thay thế bằng một công nghệ mới hơn, rẻ hơn, ưu việt hơn. Và xu thế của thời đại hiện nay chính là ngành Công nghệ nano.

Đào tạo trong lĩnh vực khoa học nano cũng phát triển nhanh. Năm 1992, Viện Đào tạo quốc tế về KH Vật liệu (Viện ITIMS) được thành lập trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa các trường đại học Hà Lan và Việt Nam. Đây có thể được xem là trung tâm đào tạo, nghiên cứu về khoa học vật liệu đầu tiên được hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất khang trang. GS. Thân Đức Hiền cho biết, “nhờ có dự án lớn này, chúng tôi cũng có cơ hội xây dựng trung tâm nghiên cứu mạnh của ngành khoa học vật liệu gồm 14 phòng thí nghiệm nhỏ ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.” Với sự hỗ trợ của Hội đồng tư vấn quốc tế gồm các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế trong lĩnh vực khoa học vật liệu của đại học Hà Lan, chương trình đào tạo được thiết kế theo chuẩn quốc tế, có đưa những môn học rất mới ở các trường đại học của Hà Lan sang như mô hình hóa, tin học vật liệu… Sau gần 20 năm thành lập, những học viên đầu tiên của ITIMS đã trở thành những nhà khoa học chủ chốt trong lĩnh vực này.

Hiện nay, tại nhiều trường đại học cũng có khoa về khoa học và công nghệ nano như ĐH QGHN, ĐH BKHN, ĐH QG TP. HCM… và một số trường mới đầu tư cho khoa học nano như ĐH Sư phạm HN, ĐH Kỹ thuật Quân sự, Học viện Quân y, ĐH Huế…

Khoa học nano
Nhà Khoa học công nghệ Nano

Về nhà khoa học công nghệ Nano

Như bạn đã khám phá ra từ các hàng ghế trước, ngành Công nghệ nano đang cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc và có hệ thống. Đây là một ngành còn quá mới mẻ (thậm chí còn rất nhiều người chưa hề nghe nhắc tới nó ), nhưng đem lại những thay đổi vĩ đại trong cuộc sống con người.

Do vậy xu hướng nghiên cứu của các phòng thí nghiệm trên thế giới cũng như Việt nam hiện nay đều tập trung vào đối tượng vật liệu nano. Với tư cách là nhà nghiên cứu, bạn sẽ là một trong những người tiên phong khám phá ra những tính chất kỳ thú của các vật liệu tí hon này.

Nhiệm vụ của các nhà Khoa học công nghệ nano là tìm ra những quy luật vật lý và hóa học của một dạng vật chất cụ thể khi chúng tiến tới kích thước nano. Họ so sánh các quy luật mới tìm được với những quy luật con người đã biết đến khi loại vật chất đó ở dạng to lớn.

Một nhà khoa học trong lĩnh vực nano sẽ có cuộc sống trong phòng thí nghiệm, gắn chặt với các máy móc tinh vi khối lượng công việc chuyên sâu. Điều thú vị là bạn được nghiên cứu, tiếp cận những kiến thức tiên tiến nhất về công nghệ của thế giới. Bạn có cơ hội áp dụng tất cả những kiến thức liên ngành mà mình đã tích lũy. Bạn sẽ khám phá vẻ đẹp của một thế giới siêu nhỏ và thấy những kết quả nghiên cứu của mình được áp dụng đầy hiệu quả trong cuộc sống.

Những kết quả nghiên cứu ấy không chỉ làm phong phú thêm các quy luật vật lý, mà còn đồng thời là nền tảng để đưa ra các ứng dụng trong thực tế.

Cơ hội nghề nghiệp.

Với tư cách là một nhà khoa học, bạn sẽ công tác tại các viện nghiên cứu , các phòng thí nghiệm của các trường đại học tổng hợp và bách khoa, các phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển (R&D) của các hãng sản xuất

Thực tế, nhiều phòng thí nghiệm hàng đầu lại thuộc về một công ty sản xuất. Chẳng hạn hãng máy tính IBM có bộ phận nghiên cứu cực mạnh với tám phòng thí nghiệm phân bổ trên khắp thế giới, đăng kí hằng trăm bằng sáng chế. Trong đó, công nghệ nano đang là một trong các nghiên cứu mũi nhọn.