luyenthidaminh.vn

Kinh nghiệm ôn thi môn Địa lý

Kinh nghiệm ôn thi môn Địa lý

Kinh nghiệm ôn thi môn Địa lý

(Trung tâm luyện thi Đại học Đa Minh) – Sau đây là chia sẻ của bạn Lê Khắc Bảo Long – thủ khoa khối C trường đại học sư phạm Huế năm 2012 một số kinh nghiệm để ôn thi môn Địa lý nhanh chóng và hiệu quả nhất

Lê Khắc Bảo Long là thủ khoa khối C trường đại học sư phạm Huế năm 2012 với số điểm 26,5 thi vào ngành Ngữ Văn chia sẻ những kinh nghiệm bổ ích trong việc ôn thi và làm bài thi đại học khối C

Khối C nói chung và môn địa nói riêng rất cần kiến thức xã hội. Các bạn thí sinh nên chuẩn bị một nền kiến thức xã hội rộng qua việc tích lũy từng ngày, từng giờ trong cuộc sống. Mình vẫn cho rằng Địa là môn dễ học và dễ ăn điểm nhất trong 3 môn.

Về các “khuôn” làm bài tập

Địa dễ học vì nó có những cái khuôn mẫu. Vẽ biểu đồ đã là 1 cái khuôn, nhận xét biểu đồ cũng là khuôn mẫu. Trả lời kiến thức lý thuyết cũng có khuôn mẫu. Môn Địa lý là môn có rất nhiều cái “khuôn” mà nếu làm bài thi dựa theo những cái khuôn ấy rất dễ kiếm điểm cao.

Một số bài tập lý thuyết Địa lý có cách trả lời trình bày theo những cái khuôn nhất định. Đó là các câu hỏi có đề cập đến các vấn đề về nhân tố Tự nhiên và nhân tố Kinh tế – Xã hội của một vùng miền, địa phương…

Cụ thể các nhân tố Tự nhiên có: khí hậu, sinh vật, nguồn nước, vị trí địa lý, đất đai, khoáng sản… Nhân tố KT – XH gồm: cơ sở hạ tầng, vật chất, chính sách, dân cư, nguồn đầu tư nước ngoài… Học, làm bài và trình bày theo những cái khuôn này rất dễ ghi nhớ và cũng dễ dàng kiếm được con điểm tốt.

Về vấn đề biểu đồ:

Bài thi Địa có 10 điểm thì 3 điểm thuộc về phần vẽ biểu đồ và nhận xét biểu đồ. Đây là dạng bài tập không hề khó. Thí sinh phải nắm chắc các dạng biểu đồ và trường hợp vận dụng chúng, để ý các quy tắc vẽ biểu đồ như: ở đâu được vẽ bút mực, ở đâu được vẽ bút chì (đường tròn) – đây là các chi tiết nhỏ nhưng có thể khiến thí sinh mất điểm oan.

Kỹ năng nhận xét và giải thích biểu đồ luôn đi từ khái quát tới cụ thể. Cái chung trình bày trước, cái chi tiết trình bày sau. Làm như thế mới bảo đảm đầy đủ, không thiếu ý.

Về vấn đề Atlas:

Thi ĐH không cho phép thí sinh sử dụng Atlas Địa lý, điều này khiến cho một số bạn có ý nghĩ rằng không cần quan tâm cuốn Atlas này. Đây là quan điểm sai lầm. Atlas rất bổ ích, thí sinh nên sử dụng Atlas thường xuyên trong quá trình học tập và làm bài tập.

Ghi nhớ và đọc Atlas thường xuyên sẽ giúp thí sinh dần hình thành trong đầu những hệ thống bản đồ, biểu đồ, khả năng xác định vị trí địa lý, điểm ký hiệu, địa danh quan trọng… Nó sẽ giúp bạn rất nhiều khi làm bài tập và trả lời đề thi.

Ngoài ra, ghi nhớ Atlas sẽ giúp tư duy của thí sinh tái hiện những hình ảnh trực quan sinh động, giúp hiểu sâu hơn về bài học, và bài tập. Nó cũng rất hữu ích cho việc trả lời các câu hỏi  xác định vị trí, tên các đảo, các vườn quốc gia,…

Sơ đồ tư duy

Cách học Địa của riêng mình là học từ gốc đến ngọn, môn Địa là “thiên đường” của cách học Mindmap (Sơ đồ tư duy). Trước tiên, cần nắm khái quát các vấn đề của bài học thì mới dễ dàng vạch ra nội dung. Tiếp theo cần nắm rõ các đề mục, sau đó mới đi vào các đoạn, triển khai các ý.

Chúc các bạn ôn thi tốt và đạt kết quả cao trong các kì thi

Exit mobile version