luyenthidaminh.vn

Nobel Hóa học cho khám phá cơ chế sửa chữa DNA của tế bào

Nobel Hóa học cho khám phá cơ chế sửa chữa DNA của tế bào

Theo Reuters, chiều 7/10 (theo giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao giải Nobel Hóa học 2015 cho 3 nhà khoa học – gồm Tomas Lindahl người Thụy Điển, Paul Modrich của Mỹ và Aziz Sancar người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ – nhờ công trình vẽ bản đồ cách các tế bào sửa chữa ADN bị tổn thương

Mỗi người trong số ba nhà khoa học được vinh danh tại giải Nobel Hóa học năm nay đã khám phá được một cơ chế sửa chữa các tổn thương của DNA, qua đó đặt nền tảng cho các nghiên cứu trong lĩnh vực sửa chữa DNA của các tế bào, một trong những vấn đề căn bản nhất của khoa học sự sống.

Tại lễ công bố giải thưởng nói trên, Thư ký thường trực Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nói: “Công trình của họ đã cung cấp những kiến thức căn bản về cách thức hoạt động của tế bào sống, và có thể được sử dụng để phát triển các phương pháp chữa trị ung thư mới.”

Thông cáo báo chí của Ủy ban Nobel Hóa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cũng nêu rõ:

“Mỗi ngày, bộ gene di truyền của chúng ta lại bị hư hại vì tia cực tím, các gốc tự do và những tác nhân khác. Nhưng ngay cả khi không chịu sự tác động từ bên ngoài như thế, một phân tử DNA đã rất không ổn định”… “Hoạt động phân chia tế bào diễn ra mỗi ngày có thể gây ra các khiếm khuyết và tạo nên thay đổi trong bộ gene của một tế bào”. “Lý do để vật chất di truyền của chúng ta không biến thành một đống hỗn độn là bởi sự tồn tại của nhiều hệ thống cấp phân tử, thường xuyên giám sát và sửa chữa gene di truyền.”

Việc đi sâu nghiên cứu các tổn thương của DNA và cơ chế tự sửa chữa của nó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc tìm hiểu nguồn gốc của bệnh tật, hạ thấp tỷ lệ phát bệnh của một số bệnh di truyền, giảm mức độ tổn thương và đột biến của DNA. Thậm chí trong tương lai, chúng ta có thể sẽ tiến hành điều trị gene định hướng cho bệnh nhân mắc bệnh di truyền. Cơ chế sửa chữa DNA có thể giúp cho việc kiểm tra gene và giải quyết các khó khăn trong chẩn đoán sớm và ngăn ngừa ung thư.

Giới khoa học cho rằng việc nghiên cứu cơ chế sửa DNA của tế bào có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự sống và lẽ ra các nghiên cứu của Tomas Lindahl, Paul Modrich và Aziz Sancar đã phải được trao giải Nobel từ lâu. Sự muộn màng đó được giải thích là do có quá nhiều người cùng nghiên cứu đề tài này.

Exit mobile version