Nghề sáng tạo – Nghề mới và “hot”

Nghề sáng tạo – Nghề mới và “hot”

Từ trước đến nay các bạn thường nghe từ sáng tạo mang nghĩa khả năng sáng tạo hay các công việc đòi hỏi khả năng sáng tạo. Nhưng đến nay có riêng một nghề buôn ý tưởng gọi là “Nghề sáng tạo” hay Creative

Thoạt nghe, các bạn có thể thấy hơi trừu tượng nhưng đây là nghề nghiệp khá hot hiện nay do nhu cầu cạnh tranh và tìm kiếm những hướng đi mới mẻ trong việc quảng bá của các thương hiệu. Lướt qua các trang tìm việc, bạn sẽ thấy rất nhiều mẫu tin tuyển dụng nhân viên creative từ các công ty truyền thông,  phản ánh độ “khát nhân lực” của lĩnh vực này.

Chân dung nhân viên creative

Biến ý tưởng thành sản phẩm hữu hình; những suy nghĩ ngẫu hứng lại có thể là một concept (khái niệm) hay cho thương hiệu; làm việc có nguyên tắc nhưng lại không gò bó trong khuôn khổ; có thể là một người ăn mặc kỳ quái nhất công ty… Đó là những gì bạn có thể hình dung về một nhân viên creative (sáng tạo) trong ngành truyền thông, quảng cáo.

Rất nhiều công ty gắn yêu cầu creative kèm lĩnh vực làm việc cụ thể như: Creative – web development: phát triển website sáng tạo; Creative – designer: thiết kế sáng tạo; Creative – content: Nội dung sáng tạo; Creative – graphic: hình ảnh sáng tạo. Tuy nhiên, với các agency truyền thông lớn, sáng tạo được tách hẳn ra một phòng ban hay một nhóm dưới sự quản lý của các giám đốc sáng tạo. Có khi cả nhân viên thiết kế lẫn copywriter sẽ trực thuộc bộ phận này. Phòng sáng tạo sẽ chịu trách nhiệm về việc lên ý tưởng và thể hiện nó bằng nhiều hình thức như: câu chữ qua slogan, chiến lược nội dung, hình ảnh thiết kế, video clip,… và góp phần làm nên thành công của một chiến dịch quảng cáo, truyền thông.  Vậy để bước chân vào thế giới đầy thú vị này, những nhân viên sáng tạo tương lai cần rèn luyện cho mình kỹ năng gì?

Kỹ năng cần có của nhân viên sáng tạo

Tư duy sáng tạo: Hẳn nhiên rồi, nhân viên creative là người sản xuất ý tưởng. Thành quả bạn mang đến cho công ty chính là những ý tưởng mới lạ “không đụng hàng” của mình. Trong cuộc họp với các bên, mọi người đều hướng về bạn và chờ nghe điều gì đó thật mới mẻ và hay ho. Có khi bạn sẽ bị “ném đá”, phản đối gay gắt bởi một ý tưởng quá “nổi loạn” hay bất khả thi nhưng có khi mọi người sẽ phải gật gù công nhận bạn có được hướng đi mới. Là một người tư duy sáng tạo, bạn phải không cho phép mình tự thỏa mãn hay đi theo một lối mòn. Đó cũng là thách thức lớn nhất và cũng là điểm hấp dẫn của nghề nghiệp này.

Cũng bởi đặc thù nghề nghiệp mà các nhân viên creative thường được phép “sống trên mây”, không đóng khung vào giờ giấc chấm công hay phải có mặt trong văn phòng suốt thời gian làm việc. Bạn có thể lang thang quán xá, đến các trung tâm thương mại hay chạy xe một vòng thành phố khảo sát hay chỉ là để tìm cảm hứng. Miễn sao hiệu quả cuối cùng chính là nghĩ ra được những ý tưởng quảng bá thật hay cho sản phẩm, dịch vụ của khách hàng. Thậm chí, gu ăn mặc của bạn có hơi kỳ quá một chút đi nữa, mọi người trong công ty cũng đều rộng lòng bỏ qua kèm theo nhận xét: Creative mà!

Trong thế giới ý tưởng, mọi điều mới lạ đều được hoan nghênh.

Diễn đạt tốt

Diễn đạt tốt ý tưởng bao hàm cả thể hiện khi nói và viết. Có ý tưởng thôi chưa đủ mà bạn phải làm người khác hiểu và thuyết phục họ với “sáng kiến” mới mẻ của mình. Điều này cần thiết mọi lúc mọi nơi. Bắt đầu từ việc bạn chinh phục được sếp nội bộ là Giám đốc sáng tạo. Qua được cửa thứ nhất, bạn sẽ diễn đạt ý tưởng này cho copywriter để thể hiện trên câu chữ thật tốt hay để cho thiết kế biến ý tưởng đó thành hình ảnh trực quan. Sau đó, bạn phải chinh phục được Giám đốc kinh doanh trong công ty để mang ý tưởng này đi trình bày với khách hàng. Đây là “trận chiến” quan trọng nhất – phải diễn đạt sao cho họ hiểu trọn vẹn tâm ý của bạn và dĩ nhiên, kết quả là agency của bạn sẽ có được một hợp đồng lớn.

Có kiến thức đa lĩnh vực

Có kiến thức đa lĩnh vực là yêu cầu dành cho tất cả nhân viên ở công ty truyền thông từ copywriter, account và đặc biệt là creative. Bạn càng hiểu biết rộng càng có lợi trong việc áp dụng tư duy sáng tạo đối với nhiều ngành nghề sản phẩm khác nhau như: Bảo hiểm, hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm chức năng, công nghệ đến những ngành đặc biệt như: công nghiệp sơn, cơ khí, chế tạo máy… Nếu bạn biết về những thương hiệu lớn, cách thức quảng bá của họ như thế nào, những gì liên quan, tâm lý, tình cảm của người tiêu dùng ra sao… thì ý tưởng sáng tạo của bạn càng sắc sảo, càng tiếp cận được mục tiêu và dễ được đón nhận. Bên cạnh đó, ngoài kiến thức chuyên ngành và kiến thức marketing học được trong nhà trường, bạn cần hiểu một chút về viết lách, về thiết kế, về việc thực hiện video clip, hiểu cả về thời trang, các ngôi sao nổi tiếng, thị trường giải trí trong nước và quốc tế, xu hướng của giới trẻ, phụ nữ, nam giới… để bảo đảm ý tưởng của mình không quá bay bổng, xa vời.

Như đã nói, creative là ngành có quy tắc làm việc nhưng không hề có khuôn khổ giới hạn. Chỉ cần có đầu óc nhạy bén, giàu ý tưởng cùng kiến thức marketing, bạn có thể là một nhân viên creative giỏi.  Việc học tập cung cấp cho bạn kiến thức chuyên môn về ngành, khả năng tư duy nhưng việc vận dụng nó vào từng trường hợp cụ thể hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của mỗi người.