luyenthidaminh.vn

Nghề nhiếp ảnh: nghề cần sự đam mê

Nghề nhiếp ảnh: nghề cần sự đam mê

Nghề nhiếp ảnh: nghề cần sự đam mê

Nghề nhiếp ảnh: nghề cần sự đam mê

(Trung tâm luyện thi đại học Đa Minh) – Để các bạn có thêm thông tin để lựa chọn nghề nghiệp, chúng tôi tiếp tục đăng tải thông tin về nghề nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh hay bất cứ môn nghệ thuật nào đều cần một tâm hồn và lòng đam mê thật sự. Các bạn cần tìm hiểu kĩ và cân nhắc trước khi chọn nghề này

Ngày nay, nghệ thuật nhiếp ảnh thâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực trong cuộc sống. Trong bảo tàng, những bức ảnh chỉ xếp sau những tác phẩm hội họa. Ảnh đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực báo chí, xuất bản, quảng cáo v.v

Nhiếp ảnh là loại hình nghệ thuật kết hợp chặt chẽ giữa mỹ thuật và kỹ thuật, trong đó nhiếp ảnh gia sử dụng máy ảnh như một dụng cụ để thể hiện xúc cảm. Cũng giống như các họa sĩ dùng sơn, màu, cọ… để tạo ra những bức tranh có giá trị bất tử, nhà nhiếp ảnh chỉ để lại được cho đời những bức ảnh nào lưu lại nơi người xem cảm xúc và chỉ những bức ảnh như vậy mới có cơ may tồn tại và đứng vững trước thời gian. Cũng như tranh, sự độc đáo của một tấm ảnh còn thể hiện tính cách cá nhân, kinh nghiệm sống, trình độ thẩm mỹ và cảm nghiệm sống … của bản thân người chụp. Một khi đã phả được hồn của mình vào ảnh, người nghệ sĩ nhiếp ảnh có thể hòa hợp mọi đường nét, thể hiện những khoảnh khắc tuyệt vời, giúp đứa con tinh thần của mình sống mãi với thời gian.

Một số nghề nghiệp trong ngành nhiếp ảnh

Trong phạm vi rộng lớn của nhiếp ảnh, các nhà nhiếp ảnh chuyên sâu về một hoặc một số lĩnh vực.

Phóng viên ảnh

Làm việc trong các tòa soạn báo, tạp chí hoặc các hãng thông tấn. Công việc của họ là chụp ảnh tin, ảnh minh họa cho các bài báo. Tùy vào quy mô tờ báo mà mỗi báo có một phóng viên ảnh đảm nhiệm toàn bộ công việc hay có cả một tổ phóng viên chuyên trách về ảnh.

Người chuyên chụp phóng sự thường là những phóng viên có kinh nghiệm từng trải, có đầu óc tỉnh táo khi phân tích những diễn biến của cuộc sống. Bằng hình ảnh, họ ghi lại những diễn biến của các sự kiện nóng, của những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Người chụp ảnh phóng sự phải đi đến tận nơi xảy ra sự kiện, chứng kiến và sống cùng với sự kiện đó.

Người chụp ảnh nghệ thuật

Thế giới của những người chụp ảnh nghệ thuật rất đa dạng:

Người chụp ảnh phong cảnh thường chuyên về chụp những cảnh đẹp, con người, đất nước mà họ quan tâm. Những bức ảnh đó có thể được giới thiệu trong các triển lãm chuyên đề hoặc dùng in vào lịch, làm bưu thiếp, in sách ảnh v.v…

Người chụp ảnh chân dung thường hoạt động trong lĩnh vực ảnh dịch vụ như các studio chụp ảnh nghệ thuật, ảnh cưới v.v… Trong cuộc đời, mỗi người có nhiều khoảnh khắc trọng đại muốn ghi lại, hình ảnh của mình từ lúc mới sinh ra, lớn lên dựng vợ gả chồng cho tới lúc qua đời. Khi nào cũng cần tới nhà nhiếp ảnh.

Người chụp ảnh khoa học lại quan tâm tới những vấn đề khoa học. Những nhà nhiếp ảnh này thường chuyên vào lĩnh vực mình quan tâm. Đôi khi để chụp được ảnh họ còn tạo những dụng cụ riêng biệt. Chẳng hạn để chụp sao trời cần các loại ống kính đặc biệt có tầm xa hay chụp đứa trẻ trong bụng mẹ cần dụng cụ riêng và chụp qua kính hiển vi…

Người chụp ảnh quảng cáo cần tư duy thực tiễn, óc sáng kiến và khả năng sáng tạo mới mẻ. Phần lớn thời gian họ tập trung vào dàn dựng hình ảnh, nhưng những hình ảnh này lại là kết quả của trí tưởng tượng phong phú với tính mục đích rõ ràng.

Một số địa chỉ đào tạo

Bạn có thể tự học và đến với nhiếp ảnh từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, nếu bạn thực sự yêu thích và muốn học chuyên về ảnh, bạn có thể theo học ở một số cơ sở đào tạo sau:

– Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh,
– Học viện Báo chí – Tuyên truyền
– Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tp. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Hội nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cũng thường xuyên có các lớp bổ túc về nhiếp ảnh cấp 1, 2, 3.

Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp

Tính phổ cập của nhiếp ảnh rất lớn. Chỉ cần sự ham thích và năng khiếu, sau một thời gian được hướng dẫn, bạn có thể cầm máy chụp ảnh. Tuy nhiên, để trụ lại với nghề, bạn cần sự bền bỉ và nỗ lực không ngừng, không ngại vất vả. Bên cạnh đó, yêu cầu phải thường xuyên thay đổi máy móc, phương tiện kỹ thuật để bắt kịp ưu thế của thời đại cũng là một trong những thách thức với người làm nhiếp ảnh.

Bù lại, nhiếp ảnh vẫn luôn là lĩnh vực hấp dẫn nhiều người bởi tạo ra hình ảnh quả là công việc kỳ thú. Người chụp ảnh không chỉ có cái thú tìm tòi về cuộc sống mà còn hiểu biết sâu sắc thêm về cái đẹp trong nhiếp ảnh cũng như gửi gắm suy nghĩ, tình cảm, trăn trở… vào bức ảnh. Bên cạnh đó, đặc trưng nghề nghiệp cũng tạo cho nhà nhiếp ảnh mối quan hệ rộng lớn với xã hội

Năng lực

Kiến thức

– Vốn văn hóa rộng để tạo nên chiều sâu của bức ảnh

– Hãy tìm hiểu về ánh sáng và cách tạo sáng

– Hiểu các quy tắc tạo nên một bố cục tốt

Khả năng

– Óc thẩm mỹ tốt (bởi nhiếp ảnh liên quan tới cái nhìn của con người)

– Sức khỏe tốt

Kỹ năng

– Niềm đam mê về quan sát tạo hình, nắm bắt khoảnh khắc để sáng tạo ngay trên khuôn hình

– Năng lực sáng tạo, thể hiện cảm xúc tốt

Thái độ

– Vui vẻ, nhiệt tình, yêu thích nhiệp ảnh

– Luôn học hỏi, không ngừng hoàn thiện bản thân

 Mức lương trung bình

Mức lương dao động từ 5 đến 10 triệu

– Mức lương trung bình tháng của nhiếp ảnh mới vào nghề khoảng 5-6 triệu đồng.
– Người có kinh nghiệm lâu hơn thì khoảng 8-9 triệu
Exit mobile version