luyenthidaminh.vn

Nghề CMO – Giám đốc Marketing

Nghề CMO – Giám đốc Marketing

(Trung tâm luyện thi Đại học Đa Minh) – Ngày nay sự thành công lớn của các doanh nghiệp đều có sự đóng góp của các chiến dịch Marketing rầm rộ và hiệu quả. Người chỉ huy những “chiến dịch” đó được gọi là CMO – Giám đốc Marketint

Tiềm năng của nghề CMO

Vai trò của hoạt động marketing đang thay đổi và vì thế vai trò của các Giám đốc tiếp thị (CMO) ngày càng quan trọng hơn.Theo nhận định của của nhiều chuyên gia kinh tế thì ngày nay đang là thời của các CMO. Đó là vì thành công trong kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào các hoạt động tiếp thị, vì thế hầu như công ty nào cũng cần có một CMO.

Một thực tiễn điển hình mà mọi người đều biết là các doanh nghiệp hiện nay đang rất thiếu CMO chuyên nghiệp. Một giám đốc Marketing giàu kinh nghiệm và năng lực đang là mục tiêu săn đón của hầu hết các công ty với mức lương rất hấp dẫn (từ 500$ – 1000$/ tháng ở mức lương khởi điểm). Nếu bạn cảm thấy mình hội đủ tự tin và trình độ để làm tốt ở vị trí này thì còn chờ gì nữa? Cơ hội để trở thành một CMO đang chào đón bạn rất nhiệt tình đấy!

CMO là gì?

CMO là từ viết tắt của cụm từ Chief Marketing Officer – Giám đốc marketing hay Giám đốc tiếp thị. Hiện nay, chức danh này được ví như một “tướng tiên phong” của doanh nghiệp.

Một CMO sẽ sở hữu các chiến lược tiếp thị, các chiến lược bán hàng, đồng thời giám sát việc thi hành chúng. CMO sẽ biết rõ về lĩnh vực mà công ty của mình đang hoạt động và giúp công ty nâng cao vị thế sản phẩm, tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh, chọn lựa các nhà phân phối…

Theo xu hướng hiện nay, thương hiệu của một sản phẩm (là hình ảnh của doanh nghiệp) có vai trò quan trọng nhất đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, các CMO phải là người sáng tạo, quản lý, giám sát và bảo vệ nhãn hiệu. Chính vì thế vai trò của các CMO rất quan trọng đối với các doanh nghiệp vì họ vừa bảo vệ hình ảnh của thương hiệu hiện tại lại vừa có trách nhiệm về việc phát triển thương hiệu trong tương lai. Hay hiểu cách khác, CMO là người quản trị mọi hoạt động quảng bá doanh nghiệp, hỗ trợ kinh doanh và hỗ trợ các hoạt động thương mại.

Các tố chất để trở thành CMO giỏi

Vì là Giám đốc marketing nên tất cả các hình thức marketing từ Marketing truyền thống đến  Marketing trên Internet, các CMO đều phải nắm vững để có thể quản lý hiệu quả.

Các CMO là chất keo liên kết các nhóm giải pháp hỗ trợ công nghệ & sản phẩm lại với nhau và từ các giải pháp tổng thể đó tạo nên lợi thế chiến lược, hiệu quả đầu tư và vị thế cạnh tranh vượt trội. Muốn như thế, các CMO phải có khả năng giao tiếp tốt và tính kiên trì.

CMO còn phải có khả năng xác lập những chương trình nghiên cứu khảo sát thi trường nhằm mang lại những kết quả cụ thể, tạo những sản phẩm mới hoàn thiện ở cấp độ “sản phẩm thương hiệu”, chứ không phải là sản phẩm ý tưởng (sơ khai) hay sản phẩm công nghệ (chưa khả thi về mặt kinh doanh). Chính vì thế, các kỹ năng về tư duy sáng tạo, tổng hợp và xử lý thông tin là những kỹ năng nhất thiết phải có.

Ngoài những tố chất căn bản để làm marketing, các CMO còn phải có khả năng quản lý chuyên nghiệp. Có như vậy, họ mới bao quát được các chiến lược marketing để từ đó phát triển thương hiệu của doanh nghiệp vươn ra thị trường tiếp cận khách hàng. Đây cũng là sự khác biệt lớn nhất giữa một CMO và một nhân viên marketing.

 Thách thức và cạm bẫy của nghề marketing

Công việc marketing là một công việc rất thách thức nhưng cũng đầy vinh quang. Những người làm marketing thành công thường là những người rất yêu nghề, họ làm việc rất cật lực, làm việc quên mình. Họ xem một nhãn hiệu mới, một sản phẩm mới như là một đứa con mà họ đã sinh ra và có trách nhiệm nuôi nấng, phát triển. Họ mất ăn mất ngủ khi một chương trình marketing bị trở ngại, lo lắng khi sản phẩm bán không chạy, căng thẳng khi đối thủ hoạt động quá hung hăng, và cảm thấy tủi hổ khi chiến lược mình đề ra không mang lại hiệu quả như mong đợi…

Tuy nhiên, nghề marketing cũng là một nghề mà môi trường hoạt động thường phải tiếp xúc với nhiều cạm bẩy nguy hiểm. Có người tuy có thể xoay xở để ngoi lên cao nhưng không đạt được sự nể trọng trong cộng đồng dân mar (marketing), vì họ đã không đứng vững được trước những cám dỗ vật chất. Họ đã để những lợi ích trước mắt chặn đứng con đường phát triển sự nghiệp lâu dài của mình.

Vậy, yêu cầu cuối cùng để một người làm marketing có thể đạt được những vinh quang trong sự nghiệp chính là phải có bản lĩnh.

Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp

Thu nhập cao, môi trường làm việc năng động và cơ hội thăng tiến nhanh là những lý do khiến ngành này đang thu hút nhiều bạn trẻ. Bạn là người say mê kinh doanh, yêu thích các công việc đòi hỏi đầu óc tổ chức, quản lý, bạn có thể nhanh chóng thích nghi với môi trường công việc.

Ngành này có địa bàn hoạt động rộng nên bạn sẽ có cơ hội để đến với nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam cũng như trên thế giới. Thị trường và môi trường kinh doanh luôn thay đổi vừa là thách thức, vừa là niềm vui cho bạn. Công việc không dập khuôn máy móc khiến bạn không cảm thấy nhàm chán.

Chỉ tính riêng trong khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện nước ta có hơn 15 vạn doanh nghiệp. Theo chủ trương của Nhà nước, tới năm 2010, cả nước sẽ có khoảng 50 vạn doanh nghiệp. Nhu cầu về những quản trị viên giỏi, nhạy bén bởi vậy rất lớn.

Đặc biệt, với kiến thức và kỹ năng quản trị kinh doanh bài bản được đào tạo, bạn hoàn toàn có thể lập và quản trị công việc kinh doanh của chính mình hoặc doanh nghiệp của gia đình.

Năng lực

Kiến thức

Ngoài những kiến thức và kỹ năng chuyên môn, người CMO còn cần phải có kiến thức khá rộng liên quan đến các chức năng khác nhau của công ty:

Kiến thức về các hoạt động bên trong tổ chức

+ Tài chính: Người CMO phải hiểu cơ cấu giá thành, chi phí, lợi nhuận của một sản phẩm để từ đó có thể hoạch định giá một cách đúng đắn. Có kiến thức tài chính cơ bản (đọc và hiểu báo cáo tài chính, kế hoạch ngân sách) cũng giúp cho CMO biết làm thế nào để đạt được các mục tiêu lợi nhuận, doanh thu, lãi gộp bên cạnh các mục tiêu thuần marketing như thị phần, thương hiệu…

+ Nhân sự: Người CMO phải có những kiến thức hiểu biết cơ bản về quản trị nhân sự để có thể tổ chức, sắp xếp nhân sự, quản trị hiệu quả (performance management), và động viên nhân sự phòng marketing. Nhiều chuyên viên marketing giỏi khi được đề bạt lên phụ trách vị trí CMO đã thất bại vì thiếu kỹ năng nầy

+ Chuổi cung cấp: Người CMO cần phải nắm một số kiến thức cơ bản về chuỗi cung cấp. Kiến thức nầy đặc biệt cần thiết khi hoạch định tung sản phẩm mới (ước lượng chi phí, thời gian hoàn thành, thời gian giao hàng, năng lực và tốc độ cung cấp sản phẩm…)

+ Sản xuất: Nắm vững một số kiến thức cơ bản về sản xuất giúp người CMO hoạch định doanh thu bán hàng, các chương trình khuyến mại (năng lực sản xuất cao nhất, sản lượng đạt mức hòa vốn, sự khác biệt của sản phẩm, chi phí từng công đoạn SX) để có thể hoạch định hoạt động kinh doanh một cách tối ưu.

+ R&D: Nắm sát năng lực R&D, người CMO có thể định hướng phát triển sản phẩm, biết được yêu cầu nào của thị trường doanh nghiệp có thể đáp ứng, yêu cầu nào không có năng lực đáp ứng…

+ Thiết kế bao bì: Có kiến thức về thiết kế bao bì, giúp CMO có thể chỉ đạo, phối hợp tốt với bộ phận thiết kế đưa ra những bao bì đẹp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

+ Chiến lược: Nắm sát chiến lược công ty giúp CMO hoạch định được chiến lược marketing nhất quán với định hướng của doanh nghiệp.

+ Kế hoạch: Có kiến thức về kế hoạch giúp CMO có thể tương tác hiệu quả với bộ phận kế hoạch của doanh nghiệp, tránh được những vấn đề liên quan đến cung – cầu.

+ Dịch vụ khách hàng: Nắm vững về hoạt động DVKH giúp CMO xây dựng và đo lường hiệu quả của chiến lược thương hiệu, đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng đối với các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.

+ CNTT: Có kiến thức cập nhật về CNTT giúp CMO có thể hoạch định các công cụ CNTT vào chiến lược marketing của doanh nghiêp bên cạnh các công cụ truyền thông truyền thống.

Kiến thức bên ngoài xã hội

Các kiến thức về môi trường vĩ mô giúp CMO hoạch định và điều chỉnh chiến lược marketing kịp thời và đúng đắn.

+ Kinh tế;  Chính trị; Xã hội; Văn hóa; Công nghệ; Môi trường;
+  Kiến thức ngành
+ Kiến thức địa phương
+ Kiến thức quốc tế
+ Kiến thức Digital  Marketing

Kỹ năng

– Các kỹ năng marketing:

– Kỹ năng mềm

+ Kỹ năng làm việc nhóm
+ Kỹ năng trình bày, diễn thuyết
+ Kỹ năng xây dựng quan hệ
+ Kỹ năng thương lượng
+ Kỹ năng tương tác và quan hệ cá nhân
+ Kỹ năng quản trị thời gian
+ Kỹ năng đánh giá kết quả và cải thiện
+ Kỹ năng cân bằng công việc và cuộc sống

Khả năng

– Óc quan sát;  Tư duy sáng tạo;  Tư duy logic;  Tư duy chiến lược; 
–  Nhạy cảm trong quan hệ cá nhân
– Nhạy cảm với cơ hội kinh doanh và những đổi thay trên thị trường.
– Có khả năng quản lý chuyên nghiệp

Thái độ

– Khiêm tốn, biết lắng nghe
– Có tinh thần doanh nhân

Một số thông tin đào tạo

Ngành này được đào tạo tại các trường đại học kinh tế trong cả nước như: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Khoa Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, Khoa kinh tế và quản lý của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Khoa Quản lý công nghiệp của Trường Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh, Khoa kinh tế của Trường Đại học Ngoại thương, v.v…

 

Exit mobile version