Giờ học lịch sử đặc sắc ở Bỉ

Giờ học lịch sử đặc sắc ở Bỉ

Từ bao giờ, môn Lịch sử đã in sâu vào tâm trí bao thế hệ học sinh như một cửa ải, một cực hình, để rồi những thế hệ học sinh đó lớn lên và trưởng thành, ra đời như tôi đây, biết bao trong số chúng ta thấy tiếc nuối sự hiểu biết hạn hẹp của chính mình về lịch sử thế giới và nước nhà, sự nghèo nàn trong kiến thức văn hóa tổng hợp khi nhìn ra xung quanh.

Và rồi tôi đã được chứng kiến những giờ học Lịch sử rất khác so với những giờ Lịch sử tẻ nhạt từng đi qua. 

Một lần tôi chờ con gái tan học sớm hơn thường lệ ở trường tại Bruxelles (Bỉ). Lúc đó đang giờ học, toàn trường đang im ắng, bỗng từ một lớp học ùa ra đám trẻ cười nói huyên náo, tranh luận rất hăng hái. 
 
Chỉ trong nháy mắt, cái sảnh yên ắng lố nhố đầy học sinh. 
 
Chúng làm gì đó với những cuộn giấy vệ sinh. 
 
Chúng trải ra đất từng băng giấy vệ sinh dài thườn thượt hàng chục mét. Rồi chúng bò xuống hí hoáy viết lách rất chăm chú. Có vẻ như đó là một trò chơi rất thú vị. 
 
Tôi rất tò mò vì lũ trẻ chơi đùa ngay dưới sự giám sát của thày giáo, giữa giờ học. Chúng nói cười, tranh cãi, chí chóe dưới ánh mắt và nụ cười độ lượng của giáo viên. 
 
Lạ quá, tôi lại gần giáo viên hỏi chuyện. 
 
Thì ra, chúng đang ôn tập môn Lịch sử. 
 
Chương trình Lịch sử cổ đại bao gồm các niên đại, từ thời Băng hà Khủng long đến Đồ Đồng, Đồ Đá v.v… Trẻ con cần học các niên đại, thấy chúng nó lẩm nhẩm uể oải quá, thầy bèn tổ chức giờ học như một trò chơi thi đua.
 
Lớp 20 học sinh, chia làm 4 nhóm. Mỗi nhóm được phát một cuộn giấy vệ sinh. 
 
Chúng trải giấy vệ sinh ra làm trục thời gian (Timeline), rồi các nhóm phải sắp xếp các tấm bảng nhỏ ghi tên các niên đại theo đúng thứ tự thời gian, với khoảng cách tương đối xác thực trên trục thời gian. 
 
Đội nào làm xong nhanh nhất và chính xác nhất là thắng. 
 
Nhìn lũ trẻ hào hứng tranh luận, đưa lý lẽ, thuyết phục lẫn nhau, không còn đâu bóng dáng của giờhọc Lịch sử nhàm chán còn ám ảnh trong tiềm thức của tôi nữa. 
 
Học lịch sử ở Bỉ
Giáo viên ở trường Bỉ là những người có trình độ được công nhận, họ không bị gò bó bởi phương pháp giáp dục “chuẩn” của cấp trên. Ảnh: Quỳnh Anh.
 
Với thói quen học thuộc – học chính xác mà tôi cũng như phần lớn trẻ em Việt Nam được rèn luyện trong nhà trường, việc cầm tấm bảng đặt nhẹ tênh trên băng giấy để chỉ mốc thời gian một cách áng chừng làm tôi nghi ngại.
 
Tôi hỏi thầy giáo: “Nếu chúng đặt bảng không chính xác với tỷ lệ thời gian lắm thì sao?”. Thầy cười độ lượng: “Ngay cả khi tôi bắt chúng nó học thuộc lòng trên lớp, bà có tin rằng một tháng sau chúng sẽ vẫn nhớ chính xác nội dung ngày tháng mà chúng đã phải học thuộc không ? Tôi nghĩ là không. Vậy nên theo tôi, điều quan trọng trong kiến thức chúng nó cần ghi nhớ là thứ tự các niên đại, cái nào trước cái nào sau và độ dài áng chừng của chúng thôi. 
 
Ngoài ra, nếu sau này chúng cần kiến thức, thông tin cụ thể chính xác hơn, thì chúng hoàn toàn có thể tìm ra trong vòng một giây trên internet. Không nên ép chúng học thuộc lòng những điều chúng không thích, không cần thiết”. 
 
Điều làm tôi rất ấn tượng khi nói chuyện với thầy giáo là sự tự tin của thầy khi giải thích việc giảng dạy “phá cách” của mình. Có vẻ như thầy không chịu sức ép chương trình, giáo án, phương pháp sư phạm chuẩn của Bộ nọ, Sở kia. Và đúng là như vậy. 
 
Giáo viên ở trường con tôi là những người có trình độ được công nhận, họ không bị gò bó bởiphương pháp giáp dục “chuẩn” của cấp trên. Mỗi năm, họ có một số nội dung phải giảng dạy trong chương trình, và họ có thể tự do lựa chọn phương pháp để truyền tải các nội dung đó đến học sinh một cách hiệu quả nhất. 
 
Một lần khác, chúng tôi đi thăm bảo tàng Luxembourg ở Paris. 
 
Lúc đó, ngoài bộ sưu tập thường niên, còn có thêm triển lãm các tác phẩm nghệ thuật lịch sử liên quan đến triều đại nhà Tudor, một triều đại cường thịnh qua nhiều đời Vua và Nữ hoàng có ảnh hưởng rất lớn đến lịch sử nước Anh nói riêng và cả châu Âu nói chung. Tham quan cùng lúc với chúng tôi có một lớp học sinh tầm 8-9 tuổi.
 
học lịch sử ở Bỉ

Lũ trẻ ngồi la liệt dưới đất say sưa nghe hướng dẫn viên kể về đại gia đình Tudor qua những tấm chân dung, những bức họa tả thực.

 
Chúng đến đây để học giờ lịch sử Anh, tranh thủ có đợt triển lãm về đúng đề tài này. Hơn 20 đứa trẻ ngồi la liệt dưới đất, say sưa nghe cô giáo kiêm hướng dẫn viên kể chuyện về đại gia đình Tudor qua những tấm chân dung, những bức họa tả thực, lũ trẻ như mê đi trong những câu chuyện xa xưa. Hoàng hậu Anne Boleyn của vua Henri thứ Tám bị chém đầu ra sao, Nữ hoàng Elisabeth đệ nhất nhận ảnh kén chồng như thế nào.
 
Trong tâm trí non nớt của lũ trẻ, một thế giới cổ tích với những hoàng tử, công chúa, hiệp sĩ thật đẹp, thật long lanh nhưng cũng rất dễ tự tưởng tượng mình trong đó, tự làm chủ không gian và bối cảnh. Và theo tôi đó cũng là cách học tập tốt nhất.
 
Tôi ước ao sẽ có lúc trẻ em Việt Nam được thực sự “học mà chơi, chơi mà học”.