luyenthidaminh.vn

Thiết kế rập, cắt rập trong quy trình cắt may công nghiệp

Thiết kế rập, cắt rập trong quy trình cắt may công nghiệp

Thiết kế rập, cắt rập là một công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất hàng loạt trong ngành may mặc. Đây là một công việc được tuyển dụng phổ biến, và mức lương đảm bảo cuộc sống ổn định cho những người lao động có tay nghề.

Thiết kế rập, cắt rập là công việc gì?

Khi thợ may tự do may mỗi bộ quần áo, họ phải hiện các công đoạn xác định kiểu mẫu, đo kích thước, vẽ trên vải, cắt vải thành những mảnh riêng theo đường vẽ. Mỗi kiểu quần áo có cách thiết kế riêng, và vì vậy việc đo, cắt các hình dạng cũng khác nhau. Sau khi cắt vải, họ may ghép các mảnh vải thành bộ quần áo theo yêu cầu.

Một số tiệm may chỉ may một kiểu quần áo riêng như chuyên may áo dài, chuyên may đầm, chuyên may veston… Họ nhận thấy rằng rất nhiều khách có cùng kích thước như nhau, và việc đo vẽ lại khá phức tạp, tốn thời gian, làm chi phí may tăng lên. Vì vậy, thay vì đo vẽ trực tiếp lên vải, họ đo – vẽ lên các các tấm giấy, cắt giấy theo các nét vẽ, rồi lưu lại thành bộ. Khi cần sử dụng lại, họ chỉ việc mang bộ giấy này áp lên vải và cắt theo hình dạng đã có sẵn là có đủ các mảnh vải để may thành bộ quần áo tương tự.

Nguyên bộ những đường đo vẽ sẵn này cho một kiểu quần/áo nào đó được gọi là rập. Nhờ có những nét vẽ có sẵn của rập, ngay cả những bà nội trợ chỉ với kim chỉ cũng có thể may được những bộ quần áo thời trang đúng theo thiết kế. Việc đo vẽ khó khăn, phức tạp đã có những người thiết kế rập phụ trách.

Thiết kế rập trên máy tính

Những vấn đề ở quy mô công nghiệp dành cho người thiết kế rập

Các xưởng gia công may khác với tiệm may nhỏ, xưởng may thường có tới hàng ngàn công nhân làm việc. Xưởng may không chỉ may một loại quần áo duy nhất, mà cùng lúc họ có thể may nhiều kiểu dáng quần áo khác nhau theo nhu cầu khách hàng. Và do phụ thuộc vào nhu cầu khách hàng, các kiểu mẫu quần áo cũng được liên tục sử dụng lại. Việc thiết kế rập, lưu trữ và sử dụng RẬP giúp các xưởng may tiết kiệm khá nhiều thời gian, quy trình thực hiện.

Với quy mô lớn như vậy, các mảnh vải may quần áo cũng được cắt hàng loạt với số lượng lớn. Người không cắt từng miếng vải nữa, mà xếp dày các lớp vải chồng lên nhau, và dùng máy cắt vải công nghiệp để cắt cả lớp vải dày như thế. Bộ phận Xử lý RẬP cũng đồng thời xử lý cho việc sắp đặt các mẫu rập trên vải sao cho lượng vải dư thừa là ít nhất.

Để giảm lượng vải dư thừa, người ta bố trí xếp các đường cắt trên vải như hình trên

RẬP của từng loại quần áo thời trang hầu như là được các xưởng may mua từ các đơn vị thiết kế. Tuy nhiên, RẬP ban đầu hầu như chỉ có 1 kích thước duy nhất, trong khi chúng ta thấy mỗi loại quần áo thường có nhiều kích thước khác nhau như XL, M, S… Và để gia công được các loại kích thước khác nhau đó, bộ phận thiết kế RẬP sẽ phải thực hiện công việc mà chuyên môn gọi là “nhảy size”.

Cơ hội nghề nghiệp, thu nhập, và theo đuổi công việc liên quan đến RẬP

Trong ngành công nghệ cắt may công nghiệp, quá trình xếp RẬP cắt vải, nếu có sơ sót, việc cắt vải bị sai sẽ dẫn đến quần áo bị lỗi hàng loạt, hoặc phải hủy bỏ, cắt lại gây thiệt hại cho nhà sản xuất. Do trách nhiệm và ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất, các đơn vị thường ưu tiên những chuyên viên có kinh nghiệm thiết kế RẬP. Để quy trình trọn vẹn, hiệu quả cao, đòi hỏi người thiết kế RẬP phải thực sự chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, do vậy mức lương mà các doanh nghiệp chi trả cũng thường rất tương xứng với vị trí công việc.

Có muôn nẻo đường học nghề để có thể tham gia các công việc về RẬP. Đối với những em học sinh, các em nên học theo các hệ chính quy về may (trung cấp, cao đẳng) để có hiểu biết tổng thể về quá trình may, phương pháp may, các công thức…
Với các anh chị đang làm trong lĩnh vực may, nếu có cơ hội công việc và có điều kiện có thể tham gia học thêm tại các lớp dạy cắt rập công nghiệp có mở tại một số nơi.

Một số công việc nhà tuyển dụng yêu cầu với nhân sự về RẬP:

– Nhảy size
– Đọc bản vẽ thiết kế rập, Cắt rập, cắt mẫu bìa theo thiết kế được duyệt;
– Góp ý cho các sản phẩm trong quá trình tạo mẫu trước khi đưa vào sản xuất;
– Chú trọng các kỹ thuật mới nâng cao chất lượng sản phẩm;
– Cắt hàng theo chỉ đạo của Quản lý;
– Tìm hiểu và học hỏi các form dáng theo xu hướng Bộ phận Thiết kế đã nghiên cứu;
– Cắt mẫu lần 1 chuẩn chuyển Cắt vải mẫu để cắt vải và May mẫu may lên sản phẩm;
– Chịu trách nhiệm mẫu giấy chuẩn về thông số kỹ thuật để làm căn cứ sản xuất hàng loạt;
– Hướng dẫn nhân viên may mẫu may đúng yêu cầu của mẫu rập

Xem thêm định hướng nghề nghiệp khác như lập trình viên, gia công cnc, điện tử viễn thông ….

Exit mobile version