Cần thiết xây dựng phần mềm tra cứu chung cho thư viện trường ĐH

Cần thiết xây dựng phần mềm tra cứu chung cho thư viện trường ĐH

Thư viện Đại học Bách Khoa

Thư viện Đại học Bách Khoa

(Luyện thi đại học Đa Minh) “Đã đến lúc cần thiết phải xây dựng cổng thông tin, phần mềm tra cứu chung cho thư viện các trường ĐH khối kỹ thuật nhằm phục vụ cho công tác tìm và khai thác thông tin, đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy, học sinh của giảng viên, sinh viên”.

Đây là ý kiến của TS.Đỗ Tiễn Vượng – Trường ĐH Giao thông vận tải sau khi tiến hành khảo sát 15 trung tâm Thông tin – thư viện các trường ĐH khối kỹ thuật trên toàn quốc vừa được tiến hành trong năm nay.

phòng đọc
Phòng đọc tại thư viện Tạ Quang Bửu – ĐH Bách khoa Hà Nội

Theo khảo sát này, tất cả các thư viện đều được đầu tư cơ sở hạ tầng mạng hiện đại cũng như trang bị khá nhiều máy tính nối mạng (máy trạm) để giúp người dùng tin khai thác, truy cập thông tin. Hầu hết các trường đã triển khai phân hệ tra cứu và khai thác thông tin qua cổng thông tin của trường hoặc qua website các thư viện.

Thư viện Tại Quang Bửu – Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có khoảng 300.000 lượt người dùng tin trên 1 năm trong trường và 20.000 lượt người dùng tin/1 năm ngoài trường đến sử dụng, tra cứu. Thư viện Trường ĐH Thủy lợi có khoảng 400.000 lượt người dùng tin/năm trong trường và 10.000 lượt người dùng tin/năm ngoài trường… Thư viện Trường ĐH Giao thông vận tải, thư viện trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), ĐH Nha Trang, ĐH Công nghiệp TPHCM… cũng có số người dùng lớn tương đương. 12 trong số 15 trường được khảo sát đã có wwsite thư viện riêng…

Theo TS.Đỗ Tiễn Vượng, mặc dù thư viện các trường ĐH khối kỹ thuật đã triển khai ứng dụng CNTT-TT rất mạnh mẽ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế tồn tại. Đó là chưa có cán bộ chuyên trách về phần tra cứu thông tin, nên hoạt động này chưa được hiệu quả. Nhiều thư viện không tổ chức đào tạo, hướng dẫn người dùng tin kỹ năng khai thác thông tin trên thư viện và internet. Về cơ sở hạ tầng CNTT, bước đầu được chú trọng nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi hiện tại, tốc độ đường truyền chậm, máy tính phục vụ tra cứu chưa đủ. Ngoài ra, phần lớn các thư viện dùng phần mềm tra cứu thông tin khác nhau.

TS.Đỗ Tiễn Vượng cho rằng, từ thực tiễn nêu trên, có thể thấy, việc phát triển phân hệ tìm và khai thác thông tin cho các thư viện ĐH khối kỹ thuật ở Việt Nam là vấn đề cấp thiết hiện nay. Muốn triển khai tốt chương trình này cần có sự quan tâm thích đáng của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là lãnh đạo nhà trường.

Để triên khai tốt phân hệ này, TS.Đỗ Tiễn Vượng đưa ra một số giải pháp: Đó là, thực hiện thiết kế toàn bộ hệ thống thông tin – thư viện trên quy  mô toàn khối kỹ thuật. Bên cạnh đó, đảm bảo, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở hạ tầng CNTT cho các thư viện; đầu tư xây dựng và nâng cao website thư viện; có chiến lược làm giàu tài nguyên thông tin bằng cách tích cực tuyển chọn, nhập nội và tổ chức khai thác triệt để các CSDL có giá trị với người dùng tin và phù hợp với thực tiễn phát triển của các trường ĐH.

Ngoài ra, các thư viện ĐH khối kỹ thuật cần tăng tốc đầu tư kinh phí xây dựng các CSDL nội sinh, đặc biệt ưu tiên các ngành trọng điểm, xây dựng các CSDL dữ liệu theo các đối tượng công nghệ, sản phẩm, quy trình; đồng thời, đào tạo và nâng cao trình độ cán bộ thông tin thư viện.

“Việc xây dựng cổng thông tin, phần mềm tra cứu chung cho thư viện trong các trường ĐH là một xu thế tất yếu trong tình hình hiện nay, đồng thời là một giải pháp có ý nghĩa cả trước mắt và lâu dài nhằm nâng cao năng lực đảm bảo thông tin vì mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH ở các trường ĐH” – TS.Đỗ Tiễn Vượng nhấn mạnh.