Nhà xã hội học

Nhà xã hội học

Xã hội học là môn khoa học nghiên cứu có hệ thống về quan hệ giữa con người và xã hội cùng các quy luật hoạt động, biến đổi của xã hội trong các điều kiện khác nhau. Những nghiên cứu xã hội học giúp ích rất nhiều cho các chính trị gia, các nhà hoạt động, quản lý, đề xuất chính sách để tổ chức xã hội, các luật sư.. khi họ muốn tìm hiểu về nguyên nhân và hệ quả của các vấn đề nổi cộm trong đời sống xã hội. Nhà xã hội học nghiên cứu sự hình thành, phát triển, cấu trúc và mô hình xã hội, quan hệ qua lại giữa các nhóm người và các cộng đồng xã hội.

Công việc chính của nhà xã hội học

+  Quan sát và nghiên cứu các nhóm xã hội và các đề tài như gia đình, cộng đồng, giáo dục, quan hệ trong ngành nghề, tội phạm, chính trị, các quan hệ dân tộc và thân tộc, đói nghèo, truyền thông đại chúng v.v…
+  Nghiên cứu, thu thập và phân tích số liệu (thường sử dụng công cụ máy tính hỗ trợ).
+  Ghi lại, nhận định và phân tích về những số liệu thống kê, viết báo cáo.
+  Tiến hành phỏng vấn, điều tra có hệ thống với những đối tượng, nhóm đối tượng được chọn theo một số tiêu chí nào đó, bằng những phương pháp như bảng câu hỏi, phỏng vấn sâu, phỏng vấn nhóm
+  Phân tích làm sáng tỏ thống thông tin thu thập được, đưa ra lời tư vấn, và dự báo… với xã hội hoặc các nhóm người về các vấn đề mà họ quan tâm.

Các nhà xã hội học thường hoạt động trong các lĩnh vực chuyên biệt như: các mối quan hệ của chủng tộc, dân tộc, thân tộc, tâm lý xã hội; nghiên cứu so sánh xã hội; giới và các mối quan hệ của giới; xã hội học thực hành v.v…

Một số đóng góp của các nhà xã hội học tiêu biểu

1. Đóng góp của A. Comte (1798 – 1857) đối với sự ra đời và phát triển của XH. 

– Auguste Comte là nhà triết học thực chứng, nhà Xã hội học người Pháp. Những tác phẩm chính có liên quan đến Xã hội học của ông bao gồm:
* Hệ thống thực chứng luận
* Giáo trình triết học thực chứng (6 tập)
* Chính trị thực chứng

Nhà xã hội học
 
Auguste Comte

– Đóng góp về phương pháp luận và phương pháp:
+ Comte cho rằng Xã hội học có thể phát hiện, chứng minh và làm sáng tỏ các quy luật tổ chức và biến đổi xã hội bằng phương pháp luận của chủ nghĩa thực chứng. Ông coi Xã hội học giống như khoa học tự nhiên (vật lý, sinh học), vì vậy ông đã sáng lập ngành vật lý học xã hội.
+ Ông đã sử dụng phương pháp quan sát trong nghiên cứu xã hội học. Theo ông quan sát phải gắn với lý thuyết, phải có mục đích và tuân theo quy luật của hiện tượng.
+ Ông cũng đã sử dụng phương pháp thực nghiệm, ông cho rằng thực nghiệm là một phương pháp khó tiến hành nhất là đối với cả hệ thống xã hội, nhưng trong từng hiện tượng cụ thể nhà Xã hội học có thể can thiệp, tác động vào hiện tượng nghiên cứu tạo ra các điều kiện nhân tạo để xem xét tình huống của chúng.
+ Ngoài ra ông còn sử dụng các phương pháp như so sánh, phân tích lịch sử. So sánh được ông coi là quan trọng, vì khi so sánh với xã hội hiện tại và xã hội quá khứ cũng như các loại xã hội khác nhau người ta có thể nhìn thấy sự giống nhau và khác nhau giữa chúng.

2. Những đóng góp của Karl Marx (1818 – 1883) đối với sự ra đời và phát triển của XHH nói chung và XHH Mác xít nói riêng.

nhà xã hội học
 
Karl Marx

K. Marx là một luật sư, một nhà triết học, nhà kinh tế học. Ông chưa bao giờ thừa nhận mình là nhà xã hội học, mặc dầu vậy K. Marx là người có nhiều đóng góp trong Xã hội học được các nhà Xã hội học phương Tây đánh giá rất cao. Những vấn đề lý luận và phương pháp luận mà Marx đưa ra có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng tri thức Xã hội học. 
– Những đóng góp về lý thuyết Xã hội học của ông thể hiện qua các tác phẩm sau đây:
* Tư bản
* Góp phần phê phán khoa học kinh tế chính trị
* Tuyên ngôn Đảng cộng sản
* Gia đình thần thánh.v.v…
– Đóng góp về phương pháp:
+ Ông đã sử dụng phương pháp quan sát, phương pháp toán học trong nghiên cứu XH.
+ Đặc biệt Marx là người đã sử dụng phương pháp phỏng vấn nhóm, dùng bảng tự khai để viết các tác phẩm của mình như bộ “Tư bản”.

3. Những đóng góp của Herbert Spencer (1820 – 1903) đối với sự phát triển của XHH.

nhà xã hội học
Herbert Spencer

– Đóng góp về lý thuyết:
+ Spencer là nhà sinh học, nhà Xã hội học người Anh. Những đóng góp của ông được thể hiện qua các tác phẩm sau:
* Nghiên cứu xã hội học
* Các nguyên lý của xã hội học
* Xã hội học mô tả
* Tĩnh xã hội học
– Đóng góp về phương pháp:
+ Ông chú trọng nghiên cứu định lượng (sử dụng nhiều loại số liệu, thu thập nhiều số liệu ở nhiều thời điểm và địa điểm khác nhau).
+ Để nghiên cứu có hiệu quả, cần phải tuân thủ các quy tắc, các tiêu chuẩn, các kỹ thuật nghiên cứu.

4. Những đóng góp của E.Durkheim (1858 – 1817) đối với sự phát triển của XHH.

Nhà xã hội học
E. Durkheim 

– E. Durkheim là nhà Xã hội học người Pháp. Ông đã có nhiều đóng góp lớn cho xã hội học thế giới thông qua các tác phẩm:
* Sự phân công lao động xã hội
* Tự tử
* Những quy tắc của phương pháp Xã hội học
* Những hình thức sơ đẳng của đời sống tôn giáo
– Theo Durkheim, Xã hội học là khoa học nghiên cứu về sự kiện xã hội. Sự kiện xã hội được hiểu theo 2 nghĩa: Các sự kiện xã hội vật chất như các nhóm dân cư và các tổ chức xã hội. Các sự kiện xã hội phi vật chất như hệ thống giá trị, chuẩn mực, phong tục tập quán, các sự kiện đạo đức… Ông chủ trương lấy hiện tượng xã hội này để giải thích cho hiện tượng xã hội khác, lấy tổng thế này giải thích cho tổng thể khác.
+ Ông coi xã hội tồn tại bên ngoài cá nhân, có trước cá nhân với nghĩa là cá nhân sinh ra phải tuân thủ các chuẩn mực xã hội. Vì vậy Xã hội học cần xem xét hệ thống xã hội, cơ cấu xã hội, hiện tượng xã hội với tư cách là sự vật, sự kiện. Xã hội vận động, biến đổi từ đơn giản đến phức tạp.
– Đóng góp về phương pháp: Ông sử dụng các phương pháp: quan sát, giải thích sự kiện xã hội, phương pháp chứng minh (cách hồi quy gia biến)

5. Những đóng góp của Max Weber (1864–1920) đối với sự phát triển của XHH.

Nhà xã hội học
 
Max Weber

– Đóng góp về lý thuyết:
+ Đóng góp trên phương diện lý thuyết Xã hội học của M. Weber được thể hiện qua các tác phẩm sau:
* Đạo đức tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản
* Kinh tế và xã hội
* Xã hội học về tôn giáo
* Tôn giáo Trung Quốc.v.v…
– Đóng góp về phương pháp: Ông đã để lại nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng phương pháp quan sát, giải thích, giải nghĩa và phương pháp thực nghiệm.

Một số địa chỉ đào tạo

Khoa Xã hội học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh), Học viện Báo chí – Tuyên truyền, Trường Đại học Công đoàn, Trường Đại học Mở Bán công Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Đà Lạt, Đại học Huế, Trường Đại học Bán công Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Văn Hiến v.v…

Xem thêm Nhà tư vấn, quản lý công nghệ hóa học, Nhà tư vấn và quản lý công nghệ Nano, Nhà khoa học về lọc hóa dầu ….