Thi thử môn Văn ngày 30-04 tại Trung tâm Đa Minh

Thi thử môn Văn ngày 30-04 tại Trung tâm Đa Minh

Thi thử môn Văn ngày 30-04 tại Trung tâm Đa MinhThi thử môn Văn ngày 30-04 tại Trung tâm Đa Minh

Đề thi và đáp án kỳ thi thử tại trung tâm Đa Minh môn Vật lý kỳ thi ngày 30-04-2014. Các em xem trực tuyến tại đây

Đề thi

I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm): Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi
“…Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã…”
(Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành
a. Nội dung chính của đoạn văn trên là gì?
b. Phát hiện những biện pháp tu từ đặc sắc trong đoạn văn và nêu hiệu quả của  những biện pháp tu từ đó.
c. Cảm xúc và suy nghĩ của anh /chị sau khi đọc đoạn văn trên.
Câu 2. (3,0 điểm):   Biết lắng nghe – điều kì diệu của cuộc sống.
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề trên.
II. PHẦN RIÊNG PHẦN TỰ CHỌN (5,0 điểm)
Học sinh chọn một trong hai câu sau (câu 3.a hoặc câu 3.b)
Câu 3a. Vẻ đẹp tâm hồn người chiến sĩ cộng sản qua hai bài thơ “Chiều tối” (Hồ Chí Minh) và “Từ ấy” (Tố Hữu).
Câu 3b.  Đọc Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, có ý kiến cho rằng: “nét đặc sắc nhất về nghệ thuật của thiên truyện là tác giả đã xây dựng điểm nhìn trần thuật giàu giá trị”. Ý kiến khác lại khẳng định “dù là nhân vật sử thi nhưng con người trong sáng tác của Nguyễn Thi lại không phải là mẫu số chung mờ nhạt. Đó mới là thành công của tác giả ở phương diện nghệ thuật”. Bằng hiểu biết về tác phẩm, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.

Đáp Án

HƯỚNG DẪN CHẤM
I. Hướng dẫn chung
– Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát làm của thí sinh tránh đếm ý cho điểm.
– Do đặc trưng của môn Ngữ Văn nên yêu cầu cần chủ động linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm, khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.
– Việc chi tiết hóa điểm số của các ý (nếu có) phải đảm bảo không sai lệch so với tổng điểm của mỗi ý.
– Sau khi cộng điểm toàn bài làm tròn đến 1,0 điểm (lẻ 0,25 làm tròn xuống, 0.5;  0,75 làm tròn thành 1,0 điểm).
II. Đáp án và thang điểm

Câu Ý Điểm

Câu 1

Đọc hiểu đoạn văn trong tác phẩm “ Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành 2.0
– Nội dung đoạn văn: Miêu tả hình ảnh những cây xà nu, rừng xà nu chịu những đau thương chiến tranh nhưng vẫn đẹp và tràn đầy sức sống.
– Biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, điệp ngữ
– Tác dụng: cây xà nu, rừng xà nu được miêu tả như con người; cây xà nu ẩn dụ và biểu tượng cho người dân làng Xô man.
– Cảm nhận và suy nghĩ: Thí sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau theo các vấn đề:
+ Xót xa đau đớn trước nỗi đau của thiên nhiên, con người do chiến tranh; tự hào về vẻ đẹp và sức sống bất diệt của thiên nhiên và con người Tây Nguyên trong chiến tranh.
+ Tố cáo tội ác của giặc, lòng căm thù giặc sâu sắc.
0.5

0.5

1.0

Câu 2 Câu 2. (3,0 điểm) Biết lắng nghe – điều kì diệu của cuộc sống
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề trên.
3.0
1. Giải thích ý kiến
– “Nghe”: là sự tiếp nhận âm thanh bằng tai (thính giác).
– “Biết lắng nghe”: là không chỉ nghe bằng tai mà còn nghe bằng cả khối óc và trái tim.
– Cả câu “Biết lắng nghe – điều kì diệu của cuộc sống ”: là một trong những cách tiếp nhận, học hỏi của con người nhằm làm cho bản thân ngày càng hoàn thiện.
0.5
2. Bàn luận ý kiến 2.0
– “Biết lắng nghe” phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh nghiệm sống, vốn văn hóa, tầm nhìn, sự nhạy cảm, độ tinh tường, tinh thần cầu thị, quan niệm sống của mỗi người,…
– “Biết lắng nghe” là điều kì diệu của cuộc sống: nghe để hiểu, để hành động, để hướng tới giá trị chân, thiện, mĩ. Chẳng hạn, biết nghe tiếng vọng về từ quá khứ, nghe những gì đang diễn ra ở hiện tại, nghe được cả tương lai; nghe được lời của thiên nhiên, đất trời, lời của cây cối, chim muông;  nghe để phân biệt phải trái, hay dở, tốt xấu, nghe được cả tiếng trái tim mình…
– “ Biết lắng nghe” tùy thuộc vào ý thức chủ quan của mỗi người. Đó là đức tính, là năng lực cần phải học hỏi, là yếu tố thúc đẩy để con người tự hoàn thiện nhân cách và trưởng thành hơn …
– Không biết lắng nghe thì cuộc sống thật vô nghĩa, tẻ nhạt.
– Chống tư tưởng chủ quan, bảo thủ và phê phán lối sống ích kỉ, “biết nghe mà vẫn giả điếc”…
Lấy dẫn chứng minh họa cho các luận điểm
3. Bài học nhận thức và hành động 0.5
– “Biết lắng nghe” có vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người, vì vậy, mỗi người cần phải có ý thức rèn luyện năng lực “lắng nghe”.
– Biết lắng nghe một cách chân thành, cầu thị để có thể chia sẻ, đồng cảm với người khác và làm cho cuộc sống của mình ngày càng có ý nghĩa…
Lưu ý: Học sinh có thể có nhiều cách nhìn nhận và thể hiện khác nhau về ý kiến trên miễn là bài viết đủ sức thuyết phục, chặt chẽ, lôgic; giám khảo căn cứ trên bài làm thực tế của thí sinh để đánh giá, cho điểm.
 Câu 3.a  Vẻ đẹp tâm hồn người chiến sĩ cộng sản qua bài thơ “Chiều tối” (Hồ Chí Minh) và ” Từ ấy” (Tố Hữu) 5.0
1. Vài nét về tác giả, tác phẩm
Giới thiệu hai tác giả, tác phẩm:
– Hồ Chí Minh và Tố Hữu đều là nhà thơ- chiến sĩ, sử dụng thơ ca như một thứ vũ khí để phục vụ cho cách mạng.
– Chiều tối viết trên đường chuyển lao từ nhà lao Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo (1942), Từ ấy viết năm 1938. Cả hai bài thơ đều khắc họa thành công hình tượng người chiến sĩ cách mạng bản lĩnh, ý chí, giàu tình yêu nước và yêu thương con người.
0.5
2.     Vẻ đẹp tâm hồn người chiến sĩ cộng sản qua hai bài thơ:
*Hình tượng người chiến sĩ cộng sản trong bài thơ Chiều tối:
– Hai câu đầu: Người chiến sĩ cách mạng hiện lên với tâm hồn nhạy cảm hòa mình vào thiên nhiên buổi chiều tà vùng sơn cước;  cảm giác mệt mỏi, cô đơn,  nhớ nhà, nhớ quê hương, niềm khao khát tự do…
– Hai câu cuối: Người chiến sĩ vui trong niềm vui cùng với người dân lao động; đằng sau hình ảnh lò than rực hồng và thiếu nữ xay ngô, ta nhận ra được niềm lạc quan, ý thức làm chủ hoàn cảnh, bản lĩnh thép của người chiến sĩ hướng đến tương lai, hướng đến sự sống.
Nghệ thuật: bút pháp vừa cổ điển vừa hiện đại.
*Hình tượng người chiến sĩ cộng sản trong bài thơ Từ ấy
– Người chiến sĩ cộng sản với niềm say mê, hạnh phúc khi được giác ngộ lí tưởng cách mạng (khổ 1)
– Hình tượng người chiến sĩ cộng sản với nhận thức mới mẻ, sâu sắc về lẽ sống của đời mình:  gắn bó với quần chúng nhân dân lao khổ (khổ 2)
– Hình tượng người chiến sĩ cộng sản với sự chuyển biến lớn lao trong tình cảm, nguyện gắn bó với đại gia đình quần chúng lao khổ. (khổ 3)
Nghệ thuật: cảm hứng lãng mạn, hình ảnh thơ trong trẻo khoáng đạt, lối nói khoa trương ẩn dụ, giọng thơ sôi nổi…
2.0

2.0

3. Đánh giá chung: So sánh
– Điểm tương đồng:
+ Hai nhà thơ đều thuộc lớp nhà thơ- chiến sĩ.
+ Hai bài thơ đều thể hiện hình ảnh người chiến sĩ  hiến dâng hết mình cho lí tưởng cách mạng. Họ mang vẻ đẹp vừa bình dị gần gũi vừa lớn lao, cao cả, có tình yêu thương, gắn bó với những kiếp người khổ đau trong xã hội.
– Điểm khác biệt:
+ Bài thơ Từ ấy được viết khi Tố Hữu 18 tuổi, vừa được  nên hình tượng người chiến sĩ cách mạng mang vẻ đẹp của tuổi trẻ, phơi phới men say lí tưởng.
+ Bài thơ Chiều tối được viết khi Bác đã trải qua bao thăng trầm sóng gió trên bước đường đấu tranh cách mạng nên hình tượng người chiến sĩ cách mạng mang vẻ đẹp ung dung tự tại, bài thơ hòa quyện chất thép, chất tình.
+ Nghệ thuật: Từ ấy được viết bằng bút pháp hiện đại, lãng mạn, Chiều tối được viết bằng bút pháp cổ điển xen lẫn hiện đại, hình ảnh thơ vận động từ bóng tối đến ánh sáng, từ buồn đến vui…
0.5
Câu 3b  Đọc Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, có ý kiến cho rằng: “nét đặc sắc nhất về nghệ thuật của thiên truyện là tác giả đã xây dựng điểm nhìn trần thuật giàu giá trị”. Ý kiến khác lại cho rằng “dù là nhân vật sử thi nhưng con người trong sáng tác của Nguyễn Thi lại không phải là mẫu số chung mờ nhạt. Đó mới là thành công của tác giả ở phương diện nghệ thuật”. Anh (chị) hãy bình luận những ý kiến trên.
1.  Giới thiệu tác giả, tác phẩm, ý kiến 0.5
2. Giải thích ý kiến
– Ý kiến 1: “Nét đặc sắc nhất về nghệ thuật của thiên truyện là xây dựng điểm nhìn trần thuật giàu giá trị”: trần thuật theo ngôi thứ ba nhưng điểm nhìn và lời kể lại theo giọng điệu của nhân vật (lời nửa trực tiếp). Khi trần thuật theo điểm nhìn của nhân vật và dùng thủ pháp độc thoại nội tâm, nhà văn phải rất thông hiểu tâm lí và ngôn ngữ riêng của nhân vật.
– Ý kiến 2: “dù là nhân vật sử thi nhưng con người trong sáng tác của Nguyễn Thi lại không phải là mẫu số chung mờ nhạt. Đó mới là thành công của tác giả ở phương diện nghệ thuật”: Các nhân vật đều mang những đặc điểm chung rất Nguyễn Thi, rất Nam Bộ, nhưng mỗi nhân vật lại có một tâm lí, một tính cách riêng được diễn tả chính xác tinh tế.
0.5
3. Phân tích chứng minh hai ý kiến:
* Ý kiến 1:
– Làm rõ phương thức trần thuật trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi: người trần thuật tự giấu mình, nhưng cách nhìn và kể lại theo ngôn ngữ và giọng điệu của nhân vật Việt
– Lối trần thuật này có tác dụng:
+ Câu chuyện vừa được thuật kể, cùng một lúc, tính cách nhân vật cũng được khắc họa.
+ Cốt truyện dù không có gì đặc sắc nhưng cũng trở nên mới mẻ, hấp dẫn vì được kể qua con mắt, tấm lòng và bằng ngôn ngữ giọng điệu riêng của nhân vật.
.
* Ý kiến 2:
– Làm rõ nghệ thuật xây dựng nhân vật trong đoạn trích và và hiệu quả của nghệ thuật đó: Thế giới nhân vật của Nguyễn Thi nói chung rất đậm chất Nam Bộ, nhưng mỗi nhân vật lại có một cá tính riêng, gương mặt riêng.
Chứng minh qua các nhân vật:
+ Nhân vật chú Năm
+ Nhân vật Việt
+ Nhân vật Chiến
Nghệ thuật khắc họa, diễn tả tâm lí nhân vật thể hiện vẻ đẹp vừa lớn lao cao cả anh hùng vừa bình dị chân thực gần gũi….. Nhà văn phải thành thạo tâm lí và ngôn ngữ nhân vật mới có thể trần thuật theo phương thức này được.
1.5

2.0

4. Bình luận về hai ý kiến
– Hai ý kiến đề cập đến hai nét đặc sắc khác nhau trong nghệ thuật truyện ngắn Những đứa con trong gia đình. Ý kiến thứ nhất nhấn mạnh đặc sắc về điểm nhìn trần thuật tạo thành ngôn ngữ nửa trực tiếp; ý kiến thứ hai khẳng định đặc sắc trong nghệ thuật khắc họa nhân vật.
– Hai ý kiến tuy khác nhau  nhưng không đối lập mà bổ sung cho nhau, hợp thành sự nhìn nhận toàn diện và thống nhất về nghệ thuật truyện ngắn, giúp người đọc khám phá vẻ đẹp của đoạn trích và khẳng định tài năng của Nguyễn Thi.
0.5

– HS có thể trình bày theo những kết cấu khác nhau và có những cảm nhận riêng của mình miễn là đáp ứng được yêu cầu đề.
– Không cho quá điểm trung bình với những tác phẩm chỉ kể lể diễn xuôi thơ mà không phân tích, cảm nhận.
– Không cho quá điểm trung bình những bài bố cục không rõ ràng, mắc quá nhiều lỗi chính tả, lỗi diễn đạt.
– Khuyến khích thêm điểm cho những bài là có năng lực cảm thụ văn chương, có sáng tạo. Giáo viên cần linh hoạt trong khi chấm, tránh hiện tượng đếm ý cho điểm.