Nghề biên tập truyền thông đa phương tiện

Nghề biên tập truyền thông đa phương tiện

Các nghề biên tập truyền thông đa phương tiện gồm có:

Những nghề biên tập truyền thông đa phương tiện

Biên tập âm thanh

Công việc của bạn là ghi âm, chỉnh sửa âm thanh, trộn âm… Với các phần mềm và thiết bị hiện đại, nghệ sĩ biên tập âm thanh có thể thực hiện được rất nhiều hiệu ứng hay kỹ xảo trên bản thu âm gốc, đặc biệt hiệu quả khì ứng dụng trong điện ảnh.

Trước hết bạn cần có khả năng cảm thụ âm nhạc tốt và được đào tạo nhạc lý. Tiếp đó, bạn cần thành thạo được một số phần mềm và thiết bị xử lý âm thanh…

Biên tập hình ảnh

Tương tự như biên tập âm thanh, công việc biên tập hình ảnh được tiến hành trên các file định dạng video. Sau khi quay nhiều cảnh riêng rẽ, các đoạn phim được chuyển vào máy tính theo một số định dạng nhất định để cắt xén, ghép với nhau, thay đổi tốc độ, đồng bộ với âm thanh… tạo thành bộ phim hoàn chỉnh. Phần việc này gọi là hậu kỳ và được các biên tập viên hình ảnh thực hiện.

Tố chất quan trọng của những người làm biên tập hình ảnh là thẩm mỹ thị giác tốt, và khả năng làm chủ ngôn ngữ hình ảnh. Nếu bạn đã có sẵn những phẩm chất ấy, cộng thêm việc sử dụng thành thạo các công cụ phần mềm chuyên dụng, bạn hoàn toàn có thể thành công với nghề này.

Kỹ xảo hình ảnh 

Ngày nay, kỹ xảo hình ảnh xuất hiện trong hầu hết các phim ăn khách trên thị trường. Ngay cả các nhà làm phim nghiệp dư cũng có thể thực hiện được phim sử dụng nhiều kỹ xảo nhờ vào các hệ thống máy tính mạnh nhưng giá rẻ và các phần mềm ngày càng rẻ và mạnh hơn. Muốn làm nghề này, bạn cần có khả năng kỹ thuật là kết hợp với các kiến thức về biên tập hình ảnh, hoạt hình 3D v.v…

Chế bản điện tử

Sự ra đời của các phần mềm chế bản điện tử thực sự là một cuộc cách mạng giải phóng con người khỏi những công việc nhàm chán như nhặt từng con chữ sắp vào bản in.

Với vai trò của một người làm chế bản, công việc hàng ngày của bạn sẽ là kết hợp chữ viết, hình ảnh thành một tài liệu sẵn sàng để in ấn. Công việc không khó nhưng đòi hỏi ở bạn sự kiên nhẫn, có các kiến thức tốt về sử dụng phông chữ, và phải có khả năng bố cục. Bên cạnh đó bạn cần thành thạo các phần mềm chế bản phổ biến hiện nay như Adobe InDesign hay QuarkXpress v.v…

Lập trình đa phương tiện:

Không quá chuyên sâu như các lập trình viên chuyên nghiệp ở các công ty tin học, các lập trình viên đa phương tiện chủ yếu làm việc với các ngôn ngữ lập trình script (đã được giản lược cho gần với ngôn ngữ tự nhiên). Ngoài kỹ năng lập trình, các hiểu biết về kịch bản, thiết kế đồ họa, xử lý âm thanh… cũng rất cần thiết.

Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp

Thuật ngữ Multimedia (mỹ thuật đa phương tiện) mới xuất hiện từ cuối thế kỷ XX và mãi cho đến đầu thế kỷ XXI mới bắt đầu chính thức du nhập vào Việt Nam. Ngay cả trên thế giới cũng coi đây là lĩnh vực trẻ nhất. Trong lĩnh vực này bạn không chỉ tiếp cận với nhiều công nghệ mới, hiện đại được hoàn thiện từng ngày mà còn là nghệ sĩ sáng tạo, sống trong môi trường đầy ắp ý tưởng mới, độc đáo để cống hiến cho cuộc sống.

Với mỹ thuật đa phương tiện bạn sẽ làm việc tại:
+ Các công ty truyền thông quảng cáo: tham gia tổ chức các sự kiện, làm phi quảng cáo, thiết kế logo, thực hiện các bộ phim quảng cáo v.v…
+  Các đài phát thanh, truyền hình: xử lý âm thanh, hình ảnh trước khi phát sóng, thiết kế truyền hình hay làm các kỹ xảo phía sau hậu trường.
+  Các tòa báo, các nhà xuất bản
+  Các công ty sản xuất phim, video: xử lý hình ảnh, âm thanh, kỹ xảo điện ảnh
+  Các xưởng phim hoạt hình
+  Các công ty sản xuất trò chơi: thiết kế trang phục, nhân vật cho game, xây dựng kịch bản, bối cảnh hoặc chỉ đạo nghệ thuật v.v…
+  Các công ty sản xuất phần mềm, thiết kế website: thiết kế giao diện cho các phần mềm, cho website hay thiết kế các ấn phẩm cho chính công ty…
+  Làm nghệ sĩ tự do

Tốc độ phát triển của lĩnh vực này rất lớn. Tại Việt Nam doanh thu quảng cáo tăng từ 300 tỷ đồng năm 1994 lên gần 7.000 tỷ đồng năm 2004 và dự kiến lên tới 24.000 tỷ đồng vào năm 2020. Tốc độ nhanh đồng nghĩa với việc nhu cầu về nhân lực cũng tăng nhanh.

Theo thống kê của báo Tuổi Trẻ, năm 2006, Việt Nam thiếu khoảng 17.000 chuyên gia mỹ thuật đa phương tiện. Vì công việc trong ngành mang tính sáng tạo, hàm lượng chất xám cao nên thu nhập trung bình cũng thuộc mức cao.