Ngành Địa lí: Cơ hội nghề nghiệp

Ngành Địa lí: Cơ hội nghề nghiệp

Ngành Địa lí: Cơ hội nghề nghiệp

Ngành Địa lí: Cơ hội nghề nghiệp

(Trung tâm luyện thi Đại học Đa Minh) – Bài viết sau dành cho các bạn đang lựa chọn thi vào ngành Địa lí học hoặc những bạn đang học ngành này để các bạn tham khảo và định hướng cho mình công việc khi ra trường

Ngành Địa lí học sẽ trang bị cho bạn tri thức về quy luật tạo thành, phân bố và sử dụng các dạng tài nguyên, quy luật phân bố dân cư và di dân, đặc điểm và sự phân hóa lãnh thổ của các ngành kinh tế, kinh tế vùng và tổ chức lãnh thổ sản xuất. Bên cạnh đó, quá trình đào tạo sẽ truyền đạt và rèn luyện kỹ năng thực hành cho bạn về các phương pháp nghiên cứu truyền thống và hiện đại, tổng hợp và chuyên ngành.

Như vậy, sau khi ra trường các cử nhân Địa lí học có năng lực nghiên cứu khoa học, có thể giảng dạy địa lí ở bậc ĐH, CĐ và THPT (khi được bổ sung thêm khối kiến thức và nghiệp vụ sư phạm). Ngoài nghiên cứu và giảng dạy, các cử nhân Địa lí học có thể đảm nhận công việc trong các lĩnh vực tổ chức và quy hoạch lãnh thổ; quản lí tài nguyên; xây dựng và quản lí các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn và đô thị.

Điểm bạn cần lưu ý là ngành học này khá đặc biệt, bao gồm hai lĩnh vực chính là Địa lí tự nhiên và Địa lí kinh tế xã hội. Do phần này chỉ trình bày riêng về lĩnh vực KHXH&NV nên ở đây chúng tôi chỉ giới thiệu riêng về lĩnh vực địa lí kinh tế xã hội, gồm 4 chuyên ngành cơ bản dưới đây:

1. Chuyên ngành Địa lí kinh tế và phát triển vùng

Địa lí kinh tế và phát triển vùng (ở một số trường khác có tên gọi Địa lí kinh tế nhưng nội dung đào tạo cũng tương tự) là chuyên ngành đã có từ lâu, đào tạo các cử nhân có kiến thức chuyên sâu về khoa học địa lí và quy hoạch phát triển kinh tế theo không gian lãnh thổ.

Trong quá trình đào tạo tại các trường ĐH, bạn sẽ được học và thực hành các khối kiến thức chuyên ngành và liên ngành, có khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao như: những vấn đề của toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế và phát triển bền vững; những lí thuyết về tổ chức không gian kinh tế, định hướng phát triển vùng-đô thị, kinh tế vùng và nghiên cứu thị trường; phương pháp nghiên cứu chuyên ngành, liên ngành và kỹ năng làm việc trong lĩnh vực chuyên môn.

Học chuyên ngành này, bạn sẽ có đủ khả năng tham gia làm việc và nghiên cứu trong những lĩnh vực: các vấn đề liên quan đến toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế và phát triển bền vững; tổ chức không gian kinh tế, nghiên cứu và phát triển thị trường; chính sách phát triển, quy hoạch và quản lí vùng-đô thị. Song song đó, bạn còn được trang bị kiến thức và kỹ năng đủ để đáp ứng cho các công việc như: nghiên cứu, giảng dạy về các lĩnh vực quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn, quy hoach và phân vùng kinh tế, địa lí kinh tế – xã hội, tổ chức sản xuất kinh tế… Do đó, sau khi tốt nghiệp, bạn có thể tham gia công tác tại các cơ quan kinh tế nhà nước, các trường ĐH, CĐ hoặc tiếp tục học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ.

2. Chuyên ngành Địa lí môi trường

Sự ô nhiễm, tàn phá hay khai thác thiếu khoa học đối với môi trường tự nhiên, môi trường sống đang là vấn đề thách thức đối với nhân loại. Chính vì vậy, thời gian gần đây các cử nhân chuyên ngành Địa lí môi trường ngày một “có giá”, bởi sau khi tốt nghiệp ngành học này, các cử nhân đã được trang bị các khối kiến thức cơ bản về tài nguyên, môi trường; về quản lí môi trường, sử dụng tài nguyên môi trường và các phương pháp, kỹ năng nghiên cứu, làm việc chuyên ngành, liên ngành trong lĩnh vực bảo vệ, sử dụng tài nguyên môi trường. Những kiến thức này rất cần thiết và hữu ích cho công tác quản lí, khai thác tài nguyên hợp lí và và bảo vệ môi trường.

Nếu đăng ký và thi đỗ vào ngành này, bạn sẽ được học về kiến thức các môn học như: bản đồ, địa lí tự nhiên các châu, địa lí công – nông nghiệp, cơ sở sinh thái học, địa lí đô thị, địa lí kinh tế Việt Nam, kinh tế vi mô, địa lí du lịch Việt Nam và thế giới…

Tốt nghiệp chuyên ngành này, bạn có thể làm việc trong các lĩnh vực: đánh giá chất lượng môi trường, quản lí môi trường, bảo vệ và sử dụng tài nguyên môi trường, phân vùng kinh tế và quy hoạch vùng, quy hoạch và phát triển đô thị, dân số và phát triển, quản trị nguồn nhân lực, quy hoạch…

3. Chuyên ngành Địa lí dân số – xã hội

Ngành học này trang bị cho bạn những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về dân số và phát triển xã hội, phát triển nguồn nhân lực… Trong quá trình đào tạo ở trường ĐH, bạn sẽ được học và thực hành các khối kiến thức: phân tích không gian các vấn đề dân số, xã hội và phát triển; chính sách đối với các vấn đề dân số, xã hội và phát triển; phương pháp và kỹ năng nghiên cứu, làm việc chuyên ngành và liên ngành.

Tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành này, bạn có đủ năng lực đảm nhận công tác tại các tổ chức, cơ quan dân số, sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình của các tổ chức phi chính phủ và chính quyền các cấp. Nếu không thích công tác trong các lĩnh vực đó, bạn có thể chọn hướng làm cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tại các viện, trung tâm nghiên cứu và các trường CĐ, ĐH hoặc tiếp tục học sau ĐH để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia làm việc và nghiên cứu các vấn đề dân số và các vấn đề phát triển, dân số sức khỏe và kế họach hóa gia đình, quản trị nguồn nhân lực, các dự án phát triển hoặc xây dựng các chính sách liên quan đến xã hội…

4. Chuyên ngành Địa lí du lịch

Sức hút mạnh mẽ của ngành du lịch đã làm cho chuyên ngành này ngày càng thu hút thí sinh hơn. Nếu thích hoạt động trong lĩnh vực du lịch cùng với khối kiến thức địa lí phong phú, bạn có thể chọn chuyên ngành này để thỏa chí đó đây của mình.

Chương trình đào tạo chuyên ngành Địa lí du lịch sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức về địa lí học và hệ thống kiến thức chuyên ngành địa lí du lịch, hình thành cho bạn kỹ năng nghiên cứu, thiết kế, tổ chức điều hành Tour du lịch; quy hoạch lãnh thổ du lịch; kỹ năng hoạt náo; nghiệp vụ khách sạn, nhà hàng, lễ tân du lịch, thuyết minh và hướng dẫn du lịch…

Cơ hội nghề nghiệp cua ngành học này rất rộng, bạn có thể làm việc tại các công ty du lịch; Sở Du lịch ở các tỉnh, thành phố; làm giảng viên chuyên ngành du lịch tại các trường TCCN, CĐ, ĐH và cũng có thể tiếp tục học sau ĐH trong và ngoài nước để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ.